Về cấu trúc đề thi, có 25 câu hỏi lý thuyết và 15 câu hỏi tính toán. Tỉ lệ câu hỏi nhận biết so với thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao lần lượt là 28, 7 và 5 câu hỏi.

Cấu trúc đề thi tham khảo môn Hoá học năm 2020.
Nội dung đề thi thuộc chuyên đề: Sự điện li; Cacbon - Silic; Nito - Photpho; Hidrocacbon; Đại cương về kim loại; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất; Sắt - một số kim loại nhóm B và hợp chất; Tổng hợp hoá học vô cơ; Este, lipit; Amin, amino axit, protein; Cacbohidrat; Polime, vật liệu polime; Tổng hợp nội dung hoá học hữu cơ.
Số lượng câu hỏi tập trung chủ yếu ở các phần kiến thức: Este, lipit; Amin, amino axit, protein; Đại cương về kim loại; Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất; Sắt - một số kim loại nhóm B và hợp chất.
Trong đó, kiến thức lớp 10 không có, lớp 11 chiếm khoảng 15 %, lớp 12 chiếm khoảng 85 %.
Các chuyên đề có câu hỏi cực khó: Este, lipit; Amin, amino axit, protein; Đại cương về kim loại. Các câu hỏi dễ nằm rải rác ở hầu hết các chuyên đề.
Chuyên đề Sự điện li có 1 câu ứng với 0,25 điểm. Đây là câu hỏi lý thuyết đơn giản về phương trình ion thu gọn. Học sinh chỉ cần hiểu cách viết phương trình ion thu gọn trong SGK đã cung cấp là có thể làm được câu hỏi này.
Chuyên đề Cacbon – Silic có 1 câu lý thuyết ứng với 0,25 điểm. Câu hỏi về CO2, gắn liền với thực tế cuộc sống vì dữ kiện câu hỏi có nhắc tới hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên vấn đề hiệu ứng nhà kính trong sách giáo khoa đã cung cấp thông tin nên học sinh có thể làm được câu hỏi này một cách dễ dàng.

Đề thi tham khảo môn Hoá học THPT có 25 câu hỏi lý thuyết và 15 câu hỏi tính toán. (Ảnh minh hoạ).
Chuyên đề Nitơ – Photpho có 1 câu ứng với 0,25 điểm yêu cầu tính toán khó về tính oxi hóa của axit HNO3. Để làm được bài tập này, học sinh ngoài việc ghi nhớ được tính chất của axit HNO3 còn phải làm thành thạo dạng bài oxit axit phản ứng với dung dịch OH-.
Chuyên đề Hidrocacbon có 3 câu hỏi ứng với 0,75 điểm, 2 câu hỏi lý thuyết, 1 câu hỏi bài tập tính toán. Câu hỏi lý thuyết khá đơn giản rơi vào phần tính chất hóa học và điều chế hidrocacbon. Câu hỏi tính toán không quá phức tạp rơi vào dạng bài hidrocacbon không no phản ứng với H2.
Chuyên đề đại cương về kim loại có 4 câu hỏi ứng với 1 điểm, 3 câu hỏi lý thuyết, 1 câu hỏi bài tập tính toán. Câu hỏi lý thuyết khá đơn giản rơi vào phần tính chất hóa học và điều chế kim loại. Câu hỏi tính toán thuộc mức độ cực khó rơi vào dạng bài điện phân dung dịch. Tuy nhiên trong đề thi các năm gần đây thường xuất hiện câu hỏi tính toán về điện phân, nên dạng bài điện phân dung dịch không còn quá xa lạ so với học sinh.
Chuyên đề Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm và hợp chất gồm 6 câu hỏi ứng với 1,5 điểm, 3 câu hỏi lý thuyết, 3 câu hỏi bài tập tính toán. Câu hỏi lý thuyết khá đơn giản rơi vào phần nước cứng, cấu tạo phân tử hợp chất của nhôm, tính chất của hợp chất kim loại kiềm thổ. Có 2 câu hỏi bài tập tính toán khá đơn giản thuộc dạng bài tính theo phương trình phản ứng, còn 1 câu bài tập tính toán về đồ thị dạng CO2 phản ứng với Ca(OH)2 là dạng khá quen thuộc với bài tập về đồ thị.
Bài tập về sắt - một số kim loại nhóm B và hợp chất có 5 câu hỏi ứng với 1,25 điểm, 4 câu hỏi lý thuyết, 1 câu hỏi bài tập tính toán. Các câu hỏi lý thuyết và bài tập tính toán đều khá đơn giản thuộc mức độ nhận biết thông hiểu. Các câu hỏi lý thuyết rơi vào phần công thức phân tử, tính chất của sắt và hợp chất. Câu hỏi bài tập tính toán thuộc dạng bài oxit sắt phản ứng với H2.
Chuyên đề Tổng hợp hoá học vô cơ có 2 câu hỏi lý thuyết ứng với 0,5 điểm thuộc dạng bài đếm phát biểu và phát hiểu đúng hay sai. Số lượng câu hỏi thuộc chuyên đề này trong đề tham khảo năm 2020 giảm hẳn so với các đề thi trước đây góp phần giảm bớt độ khó của đề thi.
Chuyên đề Este, lipit có 8 câu hỏi ứng với 2 điểm gồm 3 câu hỏi lý thuyết, 5 câu hỏi bài tập tính toán. Đây là chuyên đề thuộc học kì 1 của chương trình hóa học lớp 12. Chuyên đề có tới 3 câu hỏi ở mức độ cực khó thuộc dạng bài thực hành thí nghiệm, thủy phân đốt cháy este, chiếm 3 trên 5 số câu hỏi cực khó trong đề thi. Các câu còn lại chỉ có 1 câu đơn giản, còn lại đều yêu cầu học sinh phải có khả năng tính toán suy luận.
Chuyên đề Amin, amino axit, protein có 4 câu hỏi ứng với 1 điểm, 2 câu hỏi lý thuyết, 2 câu hỏi bài tập tính toán. Chuyên đề có 1 câu cực khó thuộc dạng bài biện luận công thức muối amoni, các câu còn lại đều không khó thuộc các phần amin, amino axit, peptit.
Chuyên đề Cacbohidrat có 3 câu hỏi ứng với 0,75 điểm, 2 câu hỏi lý thuyết, 1 câu hỏi bài tập tính toán. Các câu hỏi thuộc chuyên đề này khá đơn giản, câu hỏi tính toán thuộc dạng bài lên men rượu.
Chuyên đề Polime, vật liệu polime có 1 câu hỏi lý thuyết đơn giản ứng với 0,25 điểm thuộc chuyên đề này thuộc dạng bài điều chế polime.
Chuyên đề Tổng hợp nội dung kiến thức hoá học hữu cơ có 1 câu hỏi lý thuyết ứng với 0,25 điểm. Câu hỏi không khó rơi vào dạng bài đếm phát biểu. Số lượng câu hỏi thuộc chuyên đề này trong đề tham khảo năm 2020 giảm hẳn so với các đề thi trước đây.
Theo Tổ chuyên môn Hoá học, Hệ thống Giáo dục Hocmai cấu trúc đề thi tham khảo môn Hóa học năm 2020 giữ nguyên tỉ lệ số câu hỏi lý thuyết và bài tập so với đề thi năm 2019. Tỉ lệ số câu hỏi thuộc lớp 11 so với số câu hỏi thuộc lớp 12 thay đổi không đáng kể. Đề thi tham khảo môn Hóa học năm 2020 tăng số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết thông hiểu, giảm số lượng câu hỏi thiên về tính toán phức tạp ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Đề thi cũng có nhiều nội dung thuộc kiến thức học kì I hơn so với đề thi năm 2019 và không xuất hiện dạng bài mới, lạ.
Bên cạnh đó, đề thi cũng có một vài thay đổi như: Toàn bộ các câu hỏi cực khó (mức độ vận dụng cao) đều thuộc chương trình học kỳ một lớp 12; Số lượng câu hỏi thuộc dạng bài tổng hợp hóa vô cơ, hữu cơ giảm so với đề thi năm 2019.
(Nguồn: Hệ thống giáo dục Hocmai)