Một ca cắt amidan tại bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: nhidong.org.vn |
Cách đây 3 tháng, một nữ bệnh nhân 16 tuổi, ngụ ở quận 2 trong lúc được dìu từ phòng mổ ra phòng hồi sức sau khi cắt amidan cũng bất ngờ ngất xỉu rồi hôn mê sâu. Cho đến nay, tai biến khiến bệnh nhân này vẫn phải sống đời sống thực vật và chưa có dấu hiệu bình phục.
Bệnh viện quận 2 đã lập hội đồng khoa học và nghi ngờ cơ địa bệnh nhân nhạy cảm với thuốc gây tê Lidocain.
Trao đổi với VnExpress.net, một giáo sư chuyên khoa Tai Mũi Họng trường ĐH Y dược TP HCM cho biết, cắt amidan là một phẫu thuật đơn giản. Tuy nhiên khi gặp tai biến lớn vẫn có thể dẫn đến tử vong.
Vị giáo sư này cho biết, không chỉ các bệnh viện tuyến quận huyện mà trên thực tế, ngay cả các bệnh viện lớn tại Hà Nội và TP HCM đều đã có ca tử vong do cắt amidan. Điều này chứng minh rằng, nguyên nhân không phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ mà nó phụ thuộc vào quy trình thực hiện.
Cũng theo giáo sư này, bệnh nhân cắt amidan thường tử vong vì chảy máu nhưng không được xử lý kịp thời, hoặc do quá trình gây tê, gây mê. Ngoài ra, cũng có thể do bệnh nhân mang bệnh tim mạch, lao phổi... nhưng các xét nghiệm trước phẫu thuật không phát hiện được. Chỉ sau khi phẫu thuật bệnh mới bộc phát làm bệnh nhân bị tử vong hoặc biến chứng.
Tài liệu của bộ môn Tai Mũi Họng, ĐH Y Dược TP HCM cũng cho biết, tỷ lệ tử vong do cắt amidan từ 1/10.000 đến 1/40.000. Ngoài ra, các biến chứng khác như chảy máu, phù nề, tắc nghẽn hô hấp, đau, nhiễm khuẩn, thay đổi giọng nói... chiếm khoảng 14%.
Còn theo tiến sĩ Trần Minh Trường, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, khối amidan nằm ở vị trí nhạy cảm vốn là "giao lộ" giữa đường ăn và đường thở, do đó nếu kỹ thuật mổ, lượng thuốc mê hoặc chăm sóc hậu phẫu không kỹ, khả năng tai biến rất dễ xảy ra.
Theo tiến sĩ Trường, do khả năng tai biến cao, nên chỉ 3 nhóm bệnh lý được các bác sĩ chỉ định cắt amidan gồm: amidan thường xuyên tái phát; gây bít tắc hô hấp trên và nghi ngờ phát triển u ác tính.
"Đối với những bệnh nhân có bệnh về máu như cơ địa chảy máu, hoặc tình trạng thiếu máu; bệnh nội khoa chưa kiểm soát được hoặc có nguy cơ cao khi gây mê hoặc đang có những nhiễm khuẩn cấp tính thì cắt amidan là không thể", ông Trường nói.
Tiến sĩ Trường khuyên, với những bệnh nhân làm công việc nặng, cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi sau khi cắt amindan ít nhất 3 tuần để vết thương lành hẳn. Vì ở tuần lễ thứ hai, khi cử động mạnh, nguy cơ chảy máu vẫn có thể xảy ra.
Đối với trẻ em, cha mẹ cần cho cháu nhịn ăn uống 6 giờ trước khi cắt amidan để dạ dày hoàn toàn trống lúc mổ, nhằm tránh hiện tượng sặc thức ăn vào thanh quản, gây ngưng thở, dẫn đến tử vong ngay lúc đang mổ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Bệnh viện Tai Mũi Họng, TP HCM, với người lớn, chỉ nên đi cắt bỏ amidan khi bị viêm quá 5 lần trong năm. Còn đối với trẻ, chỉ cắt khi khối amidan quá to gây khó thở hoặc sốt liên tục.
"Trẻ dưới 4 tuổi và người lớn ở tuổi từ 60 tuổi trở lên, không nên cắt amidan vì qua các thống kê, biến chứng và rủi ro khi phẫu thuật cắt amidan ở độ tuổi này cao hơn nhiều", một bác sĩ khẳng định.
Phương Nghi
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.