Tại Hà Nội, đứng đợi mấy người bạn để cùng về trước cổng Học viện Hành chính, thí sinh Trần Thị Anh tỏ vẻ ưng ý với phần thi của mình. Theo em, đề Sử năm nay chỉ có một câu khá bất ngờ ở phần lựa chọn giữa chương trình chuẩn và nâng cao liên quan đến cách mạng Lào.
"Câu hỏi này khá bất ngờ. Nhiều thí sinh học chương trình cơ bản như em cũng bỏ, chuyển sang làm câu nâng cao", thí sinh này cho biết.
Cùng chung nhận định, Lan Anh (thi Học viện Báo chí) phân tích: "Bình thường thì lịch sử thế giới ít ai nghĩ là đề sẽ vào Lào".
Ngoài câu hỏi này ra, đề Sử được các thí sinh đánh giá không khó. Riêng câu 3, đề cập đến bước phát triển của cách mạng miền Nam, được bình luận là "hay", phát huy được khả năng tư duy của học sinh. Thí sinh Đỗ Đình Tuấn (Hưng Yên) chia sẻ: "Câu 3 hay nhưng nếu bạn nào không học chắc chắn, không tư duy thì sẽ rất dễ bị nhầm lẫn và đánh lừa".
Phạm Thị Phượng (Thái Nguyên) chọn câu IVb có liên quan đến ASEAN chia sẻ kinh nghiệm: "Trong Địa lý lớp 11 có phần nhắc tới chiến lược kinh tế của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN dựa trên các tiềm năng về kinh tế. Câu này có thể dựa vào đó để làm và vận dụng thêm kiến thức lịch sử nữa thì sẽ giải quyết được triệt để câu hỏi đưa ra".
![]() |
Nhiều thí sinh chiều 9/7 rời phòng thi với vẻ mặt hài lòng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tự tin bước ra cổng trường, thí sinh Nguyễn Thị Liên (THPT Trương Định) đánh giá Toán khối D tương đối phù hợp, không đánh đố, không lắt léo. "Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là làm được hết. Em thấy mình có thể đạt được 7-8 điểm", Liên nói.
Xem đề thi Toán 2 khối, Minh Hoàng, sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội đi đón em nhận định: "Đề có 1-2 câu độ khó vượt hẳn khối D. Tuy nhiên, với những bạn học khá, làm cẩn thận vẫn có thể lấy điểm tuyệt đối", Hoàng nhận định.
Các thí sinh ở hội đồng thi ĐH Y Dược TP HCM đánh giá, đề Toán "không dễ cũng không quá khó". Đề thi ra sát với nội dung chương trình và làm cũng vừa khít thời gian. Đến hết giờ làm bài, các sĩ tử mới bắt đầu ra về. Cũng tương tự, đề khối D cũng được đánh giá là vừa tầm.
![]() |
Thí sinh trong phòng thi môn Sử chiều nay. Ảnh: Hải Duyên |
Theo báo cáo từ cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM, trong ngày 9/7 có 3 cán bộ coi thi bị đình chỉ. Trong đó tại hội đồng thi trường Trung cấp nghề Thủ Đức của ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM có một cán bộ là phó hiệu trưởng của trường nghề này vẫn mang máy tính vào hội đồng và một cán bộ khác mang điện thoại di động.
Đặc biệt, tại khu C điểm thi của ĐH Sư phạm kỹ thuật một cán bộ đã bị thanh tra phát hiện đang ngủ gật trong giờ làm nhiệm vụ. Cán bộ này đã bị đình chỉ ngay sau đó.
Tại hội đồng thi trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) của ĐH Sài Gòn sáng 9/7, sau khi thi xong môn đầu tiên một thí sinh đã có biểu hiện hội chứng thần kinh bất thường, liên tục chạy ra ngoài nắng nhảy nhót, sau đó chạy vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa không chịu ra. Mặc dù các thầy cô đã nhiều lần kéo ra nhưng vẫn tiếp tục chạy vào nhiều lần. Hội đồng nhà trường đã gọi phụ huynh của thí sinh này đưa em về và nghỉ thi trong chiều nay.
Một học sinh khác ở điểm thi trường TH Thủy sản của ĐH Mở, trong lúc băng qua đường đã bị xe gắn máy đụng phải đưa vào bệnh viện Triều An và khâu một số mũi trên đầu. Tuy nhiên thí sinh này vẫn cố gắng đến dự thi vào buổi chiều.
Sau ngày thi đầu của đợt 2, cả nước có 60 thí sinh bị kỷ luật, trong đó 54 em bị đình chỉ do mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi. Do mở đề sớm 5 phút, hai giám thị đã bị khiển trách. 2 giám thị khác phát đề chậm 13 phút đã bị đình chỉ công tác coi thi. Một trường hợp nữa cũng bị đình chỉ coi thi vì làm việc riêng. So với năm 2008, số thí sinh và giám thị vi phạm ở ngày đầu đều giảm gần một nửa. |
Nhóm phóng viên