Tại điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội, sau 2/3 thời gian, nhiều thí sinh rời khỏi phòng với nụ cười tươi. “Ban đầu em rất lo đề Sử sẽ yêu cầu ghi nhớ nhiều, nhưng khi cầm đề, thấy các câu hỏi đều mở rộng kiến thức, em rất hứng thú”, Lưu Thuỳ Linh (THPT Trần Phú, Hà Nội) chọn Lịch sử làm môn thi điều kiện tốt nghiệp, nói.
Theo Thùy Linh, đề thi vừa yêu cầu thí sinh có kiến thức tổng hợp, không chỉ học trong sách mà cần cập nhật tình hình thời sự từ nhiều nguồn. Đề này giúp thí sinh hiểu rằng, học lịch sử không chỉ là học vẹt trong sách giáo khoa mà còn là biết và hiểu hơn về dân tộc mình.
Thí sinh thi khối D Lê Hương Nội (THPT Việt Đức) cũng cảm thấy nhẹn nhõm sau khi hoàn thành sớm môn thi Lịch sử. Em cho rằng kiến thức học thuộc trong sách giáo khoa chỉ chiếm 40%, còn lại là vận dụng thực tế. Câu hỏi thú vị nhất với Hương Nội là trách nhiệm của thanh niên Việt Nam với sự phát triển của đất nước. Em cho rằng, không chỉ phải gìn giữ truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự tôn, tự cường dân tộc, thanh nhiên cần trau dồi kiến thức để phục vụ quốc gia.
Thí sinh thi khối C Bùi Trọng Nghĩa (23 tuổi, công an nghĩa vụ quận Hoàn Kiếm) nhận xét đề thi Lịch sử năm nay phù hợp với cả 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và thi đại học. Đề ra đúng trọng tâm kiến thức ôn tập, với các nội dung cơ bản, quen thuộc như: các cuộc kháng chiến lớn của dân tộc Việt Nam, bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoàn thành bài trong 2/3 thời gian, thí sinh này tự tin được ít nhất 7 điểm.
Tại điểm thi Cao đẳng Sư phạm trung ương, nhiều thí sinh ra sớm khi hết 2/3 thời gian. Em Nguyễn Như Quỳnh (Nam Định) nói đề không khó, không đánh đố thí sinh và tiếp tục đi theo hướng mở. "Riêng câu 4 yêu cầu thí sinh có kiến thức thực tế phong phú và khả năng đánh giá tốt thì mới có thể lấy được 2 điểm", Quỳnh nói.
Tại Nghệ An, sau hơn 2/3 giờ làm bài, Phạm Xuân Hải, thí sinh duy nhất dự thi tại điểm trường THPT Yên Thành 2 đã nộp bài. Hải nhận xét đề thi Sử có tính phân loại học sinh khá cao. Trong đó câu 1 và 2 dễ để thí sinh kiếm điểm. Câu 3 yêu cầu trình bày suy nghĩ về tuyên ngôn độc lập là khó nhất.
"Đối với câu này đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức sâu và am hiểu về những vấn đề lịch sử dàn trải trong một thời gian dài thì mới phân tích được. Những kiến thức để làm câu này không phải là bài học thuộc lòng trong sách giáo khoa", Hải nói và cho rằng sẽ đạt 7 điểm môn Sử.
Tại hội đồng thi trường THCS Nguyễn Tri Phương (Thừa Thiên - Huế), hầu hết thí sinh cho rằng cấu trúc đề môn Sử năm nay khá lạ, không còn những đòi hỏi phải học thuộc mà thay vào đó là những câu hỏi theo hướng mở, có tính liên hệ thực tiễn từ các sự kiện lịch sử.
Nam sinh Ngô Vĩnh Thiện Hà (THPT Hai Bà Trưng) nhận xét đề thi có nhiều câu chứng minh nhận định, nêu dẫn chứng làm khó thí sinh. Nếu không bình tĩnh đọc và phân tích hướng làm, nêu chứng cứ sự kiện lịch sử để hoàn thành yêu cầu câu hỏi thì rất có thể người làm sẽ nhầm lẫn sang dạng bài nghị luận văn học. Hà hoàn thành khá tốt bài thi, nhưng không xác định sẽ được bao nhiêu điểm.
Tại Đà Nẵng, nhiều em uể oải rời phòng thi trong tiết trời nắng gắt. "Cố lắm và may mắn chắc em cũng chỉ được 3 đến 4 điểm", thí sinh Lê Minh Thành (Đà Nẵng) nói. Đăng ký thi khối D, Thành quyết định thi môn Sử vì "năm cuối cấp em học được môn này", nhưng khi đọc đề thi thì "choáng" vì có nhiều câu phải vận dụng kiến thức ngoài xã hội.
Theo Thành, nếu thí sinh chỉ ôn luyện trong sách vở mà ít xem tin tức bên ngoài thì khó làm tốt được đề Sử năm nay. "Đề liên quan đến xã hội dễ viết nhưng không biết ý mình nêu ra có trúng đáp án không nữa", Thành lo lắng nói.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thành Đạt (Quảng Nam) đánh giá đề Sử dài, nếu thí sinh làm bài lan man, không phân bổ thời gian sẽ khó hoàn thiện được. "Đề ra nhiều câu liên quan đến xã hội nên nếu bạn nào ôn tủ, nhất là theo dạng diễn biến - kết quả - ý nghĩa thì sẽ bị hẫng khi đọc đề", Đạt nói.
Tại TP HCM, kết thúc môn thi sáng nay nhiều thí sinh cho biết đề Lịch sử khá nhẹ nhàng khi phần lớn câu hỏi đều đưa ra theo hướng mở. Văn Toàn, thí sinh tại điểm thi trường THCS Gò Vấp (Quang Trung) cho biết, trừ câu đầu tiên thuộc phần lịch sử thế giới yêu cầu thí sinh nói về sự phát triển của đất nước Nhật Bản, 3 câu còn lại của lịch sử Việt Nam đều ra theo hướng mở, cho thí sinh có quyền lựa chọn và viết theo suy nghĩ của mình.
Cụ thể ở câu 2 đề thi đã cho bảng sự kiện thí sinh chỉ cần dựa vào đó để nêu ra vai trò của Nguyễn Ái Quốc. “Theo em thì đây là cách ra đề mới của Bộ Giáo dục, thay vì bắt thí sinh phải nhớ hết các sự kiện lịch sử thì nay Bộ đã đưa sự kiện đó vào đề, cách làm này sẽ giảm tải được áp lực đối với việc học môn lịch sử”, Toàn cho biết.
Cũng theo thí sinh này, câu 3 của đề thi cũng giảm áp lực cho thí sinh rất nhiều khi yêu cầu nêu ra suy nghĩ của mình đối với câu nói “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập” (trích trong Tuyên Ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh). Đối với câu hỏi này Toàn cho biết mỗi thí sinh sẽ có những suy nghĩ, nhận định riêng chứ không rập khuôn theo kiến thức của sách giáo khoa.
Không chỉ bó buộc kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh này cho biết đã chọn sự kiện tranh chấp trên biển Đông hiện nay để làm minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ tự do, độc lập dân tộc. “Dù không còn chiến tranh, nhưng để có được tự do, độc lập và đầy đủ chủ quyền thì chúng ta phải không ngừng đấu tranh, nhất là vấn đề chủ quyền trên biển Đông đang đe dọa đến quyền tự do, tự chủ của Việt Nam”, Toàn nói và cho biết đã đưa ra những dẫn chứng mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.
Tương tự, Thanh Tuyền cũng cho rằng với đề thi năm nay nếu bạn nào học tủ, học trong sách giáo khoa sẽ “thất thế” vì đề không áp đặt kiến thức như những năm trước mà ra theo hướng mở cho thí sinh có nhiều lựa chọn. Tuyền làm bài khá tốt và rất hài lòng với cách ra đề thi năm nay của Bộ Giáo dục. Nữ sinh đánh giá sẽ được 6-7 điểm môn này.
Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương, giảng viên Đại học Thủ đô Hà Nội (nguyên tổ trưởng tổ Lịch sử, trường THPT Chu Văn An) nhận xét, đề thi môn Sử rất hay, phân hóa được học sinh, đảm bảo được mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Đề ra theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiều ý gợi mở, không yêu cầu thí sinh ghi nhớ máy móc mà trên cơ sở sự kiện Lịch sử rút ra những nhận xét theo sự hiểu biết của bản thân thí sinh. Nội dung của đề thi nằm trong chương trình Lịch sử lớp 12, phần Lịch sử Việt Nam có liên hệ gắn với trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay. Ở câu đầu tiên, phần Lịch sử thế giới, đề ra vào nội dung kinh tế Nhật Bản từ 1952 đến 1973 và yêu cầu thí sinh nêu nguyên nhân của sự phát triển đó. Nội dung này không yêu cầu các em liên hệ, vì vậy những học sinh trung bình, học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa có thể đạt điểm tối đa. Câu 2, đề thi đã nêu rõ các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1930 nên với yêu cầu nêu những công lao của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam, học sinh trung bình cũng có thể đạt 2/3 số điểm. Câu 3 là câu gợi mở nên với những học sinh ghi nhớ máy móc thì đây là câu khó, nhưng với những học sinh học hiểu, tư duy tốt thì đây là câu hỏi hay, cho phép các em nêu suy nghĩ của mình về quyền tự do và độc lập của đất nước cũng như lựa chọn những sự kiện thuộc một trong các giai đoạn lịch sử để làm sáng tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ vững quyền tự do và độc lập (học sinh có thể liên hệ đến cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay). Câu 4 là câu phân loại học sinh không chỉ thuộc mà còn phải hiểu kiến thức lịch sử, phân biệt được giới tuyến quân sự tạm thời và biên giới quốc gia. Đồng thời học sinh còn phải hiểu được những kiến thức lịch sử ở giai đoạn sau (1954-1975), hiểu được âm mưu của Mỹ - Diệm định chia cắt nước ta thành 2 quốc gia trong khi Hiệp định Giơnevơ chỉ quy định đây chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời. "Ý 2 của câu này cũng là ý mở yêu cầu học sinh phải phân biệt được những nhân tố chủ quan và khách quan đảm bảo thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ nhân tố chủ quan học sinh có thể chọn một nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc ngày nay, đồng thời có gắn với trách nhiệm của thanh niên nói chung và bản thân học sinh nói riêng. Đây là câu hỏi phân loại học sinh giỏi", cô Hương nhận định. Thầy Phạm Ngọc Thụ, giáo viên Lịch sử, trường THPT Anhxtanh Hà Nội cũng thừa nhận, đề thi Sử hay cả về dữ liệu lịch sử và về cách hỏi. Đề thi có cấu trúc rõ ràng, hợp lý và phân hóa. "Tư tưởng về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ bao trùm toàn bộ các câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Để làm tốt đề thi này, học sinh cần có phương pháp hơn là học thuộc. Học sinh trung bình có thể được 5-6 điểm. Học sinh học khá có thể được 7-8. Không dễ được 9-10", thầy Thụ nói. |
Nhóm phóng viên