Sáng 10/10, UBND TP Thanh Hóa và Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cắt cử lực lượng ứng trực tại bờ đê sông Mã, đoạn qua xã Hoằng Đại, để theo dõi diễn biến và sẵn sàng xử lý sự cố. Một nhóm cán bộ chuyên môn đo vẽ hiện trường, nhóm khác đóng cọc tre, đắp đất, phủ bạt tại các điểm xung yếu quanh thân đê.
Nhà chức trách đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm ôtô tải trọng từ 10 tấn trở lên và xe khách lưu thông qua đoạn đê sạt lở để đảm bảo an toàn.
Đê sông Mã qua xã Hoằng Đại sạt lở. Video: Lê Hoàng
Trước đó từ ngày 28/9 đến ngày 4/10, do ảnh hưởng hoàn lưu bão Noru, tỉnh Thanh Hóa mưa lớn. Đê tả sông Mã qua xã Hoằng Đại bị sạt lở. Cung sạt khoảng một km, đoạn nặng nhất dài 60 m, độ sâu có chỗ tới 1,3 m.
Ngày 9/10, đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã kiểm tra sự cố sụt lún đê tả sông Mã. Nhận định đây là sự cố nghiêm trọng, gây mất an toàn chống lũ, ông Phạm Đức Luận, Phó tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai, đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Ông Luận đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa sớm ban bố tình huống khẩn cấp, đồng thời khẩn trương xây dựng phương án bảo vệ, khảo sát, đánh giá nguyên nhân sự cố, đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo ổn định lâu dài cho tuyến đê.
![Vết sạt ăn sâu trên thân đê sông Mã. Ảnh: Lê Hoàng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/10/10/-5257-1665371929.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=H34-P3Ur5Lhh-V0PDNo9Gg)
Vết sạt ăn sâu trên thân đê sông Mã. Ảnh: Lê Hoàng
Đê tả sông Mã là đê cấp 2, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Đê được đắp bằng đất, bề mặt đổ bê tông rộng khoảng 4 m cho phương tiện lưu thông.
Tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ cho khoảng 29.000 người dân của 5 xã Hoằng Đại, Hoằng Trạch, Hoằng Tân, Hoằng Châu, Hoằng Phong vùng tả ngạn sông Mã, thuộc một phần huyện Hoằng Hóa và TP Thanh Hóa.