Xu hướng tuyển sinh theo đề thi riêng
Ông Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hoá tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, nhận định: "Theo thời gian, sự đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, tự xây dựng phương thức mới tại các trường đại học ngày một nhiều. Trong đó, việc sử dụng đề riêng hoặc kết hợp kết quả thi THPT quốc gia có thể trở thành xu hướng chủ đạo".
Xu hướng này hình thành do kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện hành (theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020) có mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì để kết hợp xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đó. Sự thay đổi này dẫn đến tính phân loại của đề thi không còn đáp ứng đủ yêu cầu xét tuyển của nhiều trường đại học, cao đẳng.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng cho biết, đề thi THPT Quốc gia đang có xu hướng giảm tính phân loại so với trước đây để phù hợp với mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp. Vì vậy, những trường nằm ở nhóm có điểm xét tuyển đầu vào cao sẽ phải tìm phương án tuyển sinh riêng để chọn lọc thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo về kiến thức, kỹ năng của nhà trường. Và xu hướng này sẽ tăng dần theo thời gian.
Tiến sĩ Thành Nam phân tích, các trường đại học luôn muốn điểm đầu vào cao. Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp có mục tiêu chính như hiện nay rất khó phân hoá các nhóm thí sinh có nguyện vọng các ngành trên 27 điểm trở lên. Do đó, những trường, ngành có điểm đầu vào rất cao sẽ có xu hướng tổ chức kỳ thi riêng. Trong đó, Đại học Bách Khoa Hà Nội có rất nhiều ngành có điểm đầu vào từ 27 điểm, do đó, đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sẽ không đáp ứng được mục tiêu tuyển chọn, buộc nhà trường phải có bài thi riêng để đảm bảo yêu cầu về chất lượng đầu vào.
Năm 2020, trường này dành 30-35% chỉ tiêu để tuyển sinh theo phương thức kết hợp kết quả thi THPT Quốc gia và Bài kiểm tra tư duy riêng của trường. Đến năm 2021, nhà trường dự kiến tiếp tục dành 30-40% chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này để xét tuyển vào 59 ngành và chương trình đào tạo.
Tại trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2020, nhà trường chưa tuyển sinh bằng phương thức đề thi riêng. Tuy nhiên, đến năm 2021, đơn vị dành 20% chỉ tiêu tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Tuy nhiên, việc tổ chức một kỳ thi riêng rất khó khăn và tốn kém do những yêu cầu khắt khe về công tác tổ chức và quy định về khảo thí chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, cả thầy Khắc Ngọc và Thành Nam đều nhận định, tuyển sinh bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực do các trường đại học tổ chức riêng là xu hướng chung nhưng sẽ tập trung vào một số kỳ thi của các trường đại học hàng đầu, có cơ cấu đào tạo đa ngành, trong đó có các ngành khoa học cơ bản và có quy mô tuyển sinh tương đối lớn, để tiết kiệm chi phí.
Mới đây, sau khi Đại học Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi Đánh giá năng lực đợt một của hơn 68.000 thí sinh, 70 trường đại học, cao đẳng đã quyết định sử dụng kết quả bài thi này để phục vụ cho công tác tuyển sinh của mình.
Tương tự tại ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay do nhà trường tổ chức sẽ được các trường thành viên sử dụng như một trong những phương thức tuyển sinh. Các trường đại học ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này nếu đăng ký.
Kỳ thi riêng khó và đòi hỏi nhiều kỹ năng
Theo Tiến sĩ Nam, đề thi riêng sẽ có xu hướng khác hẳn đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và khó hơn nhiều. Và đề thi riêng này sẽ kiểm tra một số kỹ năng mà đề tốt nghiệp THPT Quốc gia chưa kiểm tra như năng lực đọc hiểu và năng lực diễn đạt.
Ông đưa ra ví dụ, bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được thiết kế với mục tiêu đánh giá khả năng vận dụng kiến thức cơ bản và một số năng lực cần có của thí sinh để theo học lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế. Bài thi chia làm ba phần: Toán, Đọc hiểu và Tự chọn (gồm ba lựa chọn).
Phần thi Toán yêu cầu về khả năng tư duy và vận dụng kiến thức cơ bản của Toán học vào giải quyết bài toán trong thực tế, đồng thời, đánh giá khả năng học Toán cao cấp và các môn khoa học, kỹ thuật ở bậc đại học của thí sinh. Phần thi Đọc hiểu yêu cầu thí sinh có kỹ năng đọc nhanh, hiểu đúng cùng với năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, chủ yếu liên quan tới những chủ đề về khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đặt ra yêu cầu đánh giá ba nhóm năng lực chính, kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh tích lũy trong quá trình học tập. Các câu hỏi có mức độ cơ bản đến nâng cao, vận dụng ở mức độ trung bình đến khó.
Do đó, Tiến sĩ Nam nhận định, phạm vi của đề thi sẽ cực kỳ rộng. Khi đó, việc luyện thi theo nội dung như trước đây (dạy theo từng dạng toán) không còn phù hợp. Với phạm vi đề rộng như vậy, các em nên học theo bản chất, cốt lõi thay vì sa đà vào tự luyện kỹ thuật.
"Với đề thi riêng này, học sinh phải thực sự có năng lực thì mới giải quyết được vấn đề. Để làm được như vậy. các em có thể học các chương trình phổ thông sớm hơn, để hiểu sâu sắc kiến thức cả về lý thuyết và cách vận dụng nó trong cuộc sống", thầy Nam nói thêm.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Thành Nam cũng lưu ý thí sinh việc thi vào các trường đại học hàng đầu có tính cạnh tranh rất cao nên cần ôn luyện sớm để có sự chuẩn bị kỹ càng. Đồng thời, học sinh cũng nên theo dõi và cập nhật thông tin về công tác tuyển sinh từ các đại học để xây dựng lộ trình ôn thi phù hợp.
Đối với những thí sinh có dự định thi bài thi riêng do các trường đại học lớn tổ chức, các em cũng nên học bổ sung một số nội dung đặc biệt sẽ xuất hiện trong bài như nội dung logic, đọc hiểu, viết luận để tối đa hóa kết quả thi.
Thiên Minh
Ảnh: HOCMAI