“Pro-poor”, hiểu nôm na là “vị người nghèo”, là cách giúp người nghèo thoát nghèo bằng cách dành ưu tiên, ưu đãi cho người nghèo. Nhà nước “bao cấp” cho người nghèo các điều kiện làm ăn, trợ cấp cho họ khi thiên tai hay gặp rủi ro. Quan điểm “xóa đói giảm nghèo” này mang tính truyền thống, được sử dụng rộng rãi, có tác dụng rõ rệt. Nhưng ở bình diện phát triển rộng, nó không thật hiệu quả.
“Pro-rich” thì ngược lại, cho rằng tài trợ nhà nước kiểu bao cấp, ưu đãi khó có thể giúp người nghèo thoát nghèo, chưa nói đến thoát nghèo bền vững hay giúp họ làm giàu. Quan điểm này đề xuất cách “xóa đói giảm nghèo” dựa vào người giàu. Theo đó, nhà nước tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ người có khả năng làm giàu chính đáng. Chính những người giàu sẽ tạo cơ hội việc làm nhiều hơn cho người nghèo, giúp họ cải thiện thu nhập và thoát nghèo. Khái niệm “vị người giàu” ở đây gần với cách hiểu “dựa vào người giàu”.
Quan điểm “vị người giàu” này không phủ nhận hay bác bỏ “pro-poor”, chỉ cho rằng giải pháp này không thật hiệu quả.
Tôi vẫn nhớ, khi tranh luận, hai luồng ý kiến khác nhau nói trên được nêu ra với tinh thần khoa học, không quy chụp. Song vẫn hai “phe” ngang ngửa. Nhiều người vẫn cho rằng chỉ có nhà nước mới “vô tư” giúp người nghèo; còn dựa vào người giàu thì khó mà tin được vì động cơ tư lợi và sự khôn ngoan “kiếm chác” của họ.
Và vào thời điểm đó, quan điểm chi phối vẫn là “pro-poor”, Nhà nước cần “kiềm chế” người giàu, cần tập trung nguồn lực xã hội để hỗ trợ trực tiếp và ưu đãi cho người nghèo.
Trong nhiều năm, chúng ta hoàn toàn bỏ qua quan niệm coi người giàu như một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết các vấn đề phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế thị trường. Ta không tin rằng ủng hộ người giàu chính là để giúp người nghèo, rằng khi khuyến khích, ủng hộ khuynh hướng làm giàu thì đó cũng là quá trình tự động kéo người nghèo thoát khỏi sự nghèo đói. Kiềm chế giàu có, kỳ thị người giàu bắt nguồn từ đó.
Sau Hội thảo đó cho tới hôm nay, tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng “pro-rich” là cách tiếp cận chính sách vĩ mô giúp giải quyết các vấn đề phát triển của nền kinh tế, trong đó có vấn đề đói nghèo, một cách hiệu quả.
Với quan điểm này, “giàu” và “làm giàu” được coi là giải pháp. “Thoát nghèo” mới là mục đích. Khi coi “giàu” là giải pháp thì cách tiếp cận không kỳ thị sự giàu có, không phân biệt đối xử, không coi người giàu luôn là kết quả của bóc lột, lừa đảo dễ được chấp nhận về mặt đạo lý. Từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho những ai có năng lực, giúp người giàu làm giàu hơn sẽ được xã hội thừa nhận là giải pháp tạo cơ hội giúp người nghèo.
Đáng tiếc, tầng lớp người giàu ở Việt Nam trong nhiều năm qua được xã hội nhìn nhận gắn nhiều với khái niệm “bóc lột”, “đánh quả” hơn là sáng tạo, cống hiến. Điều này xuất phát từ lịch sử phát triển nhiều thế hệ gắn với tư duy “xã hội đẳng cấp”. Tầng lớp địa chủ được “đóng đinh” chặt vào bức tường bóc lột, trong khi những năng lực vượt trội và tích cực của họ, mà đa số người nghèo không có: chịu khó làm ăn, sáng kiến, năng động tạo cơ hội và tận dụng thời cơ làm giàu, gần như bị phủ nhận sạch trơn. Vì bị phủ nhận, những năng lực này bị thui chột ở cấp độ xã hội. Động lực làm giàu theo đó bị triệt tiêu. Giàu có ít được coi là một giá trị xã hội đáng trân trọng. Thay vì, nó bị lên án, bị bác bỏ, là thứ của cải bất minh, phải che giấu.
Hiện nay, trên thế giới, tùy vào trình độ phát triển của kinh tế thị trường và trình độ dân chủ, có hai loại thái độ xã hội đối với sự giàu có. Ở những nước phát triển, hầu như mọi người đều nỗ lực làm giàu, đều muốn công khai sự giàu có để xã hội đánh giá đúng giá trị xã hội, tài năng và sự cống hiến, của mình. Trong khi đó, ở nhiều nước trình độ kinh tế thị trường và dân chủ còn thấp, nói chung người dân không dám công khai sự giàu có, thậm chí cố giấu tài sản của mình đi. Đó là xã hội “của chìm, của nổi” ở châu Á. “Chìm” mới là chính, “nổi” phải có, nhưng ít thôi, vừa đủ để chứng tỏ sự trong sạch và lương thiện.
Hai quan niệm đối lập nhau về giá trị của sự giàu có dẫn tới những động lực thúc đẩy phát triển rất khác nhau. Để có giải pháp thỏa đáng vượt qua thiên kiến lịch sử này, rõ ràng trước hết Nhà nước phải cho hoạt động làm giàu trở thành chính đáng, coi đó là mục tiêu cao cả của hoạt động kinh tế; tạo môi trường để sự giàu có được công khai, tôn vinh sự giàu có, coi giàu có là đóng góp xã hội. Người giàu chính đáng là niềm tự hào quốc gia, mỗi người đều tự hào về sự giàu có, về nỗ lực phấn đấu làm giàu của mình. Nhà nước phải xây dựng cơ chế công khai minh bạch và cổ vũ sự giàu có.
Thứ hai, mỗi người dân thay đổi quan niệm về người giàu đi liền với sự tôn trọng, giá trị sáng tạo và cống hiến của họ như một phần quan trọng nhất của vốn xã hội.
Tôi tin con người, với sự liêm sỉ và tự trọng, đều muốn có trách nhiệm với người nghèo và xã hội chứ không phải nhắm mắt làm ngơ. Phải khuyến khích tinh thần này chứ không phải bác bỏ nó. Người có tài tạo cơ hội và lan tỏa năng lực dẫn dắt người khác, đặc biệt với người nghèo, thường là những người ít có năng lực sáng tạo hơn. Phẩm chất đó thậm chí quan trọng hơn tạo việc làm.
Tôi không “vơ đũa cả nắm” giới nhà giàu, bởi bên cạnh những người làm ăn chân chính vẫn còn những đại gia nổi lên nhờ “đánh quả”, nhờ “quan hệ”. Song “dân giàu nước mạnh” không phải một câu nói đã cũ.
Thế hệ người Việt Nam thập niên 80 từng hào hứng với một bộ phim truyền hình rất nổi tiếng “Người giàu cũng khóc”. Đã đến lúc xoay chiều quan sát với giới trung và thượng lưu làm ăn chân chính. Giàu có, trong một xã hội đàng hoàng, phải được "trưng bày" công khai như một niềm tự hào, như bằng chứng về tài năng và sự cống hiến.
Trần Đình Thiên