Sáng 2/6, phát biểu về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao, đề xuất Quốc hội xem xét, rà soát một số điều khoản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 và sửa đổi năm 2017.
Đơn cử khoản 1 Điều 219 Bộ luật Hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Ông Trí đánh giá điều khoản này rất nghiêm khắc, có thể tạo rủi ro cao cho công việc quản lý tài sản nhà nước của cán bộ. Cụ thể, tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự cũ quy định tội Cố ý làm trái, thì người thực hiện hành vi phải "cố ý" và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Trong khi đó, ở Điều 219 thì chỉ cần vô ý, hoặc do cấp dưới đề xuất mà kiểm soát không được, dẫn tới thiệt hại từ 100 đến dưới 300 triệu đồng, là có thể bị phạt tù 1-5 năm.
"Sau khi phát hiện sai phạm, người vi phạm khắc phục thì có bị xử lý hình sự không? Hoặc có thể tính mức thiệt hại quy mô hơn không? Với quy mô quản lý tài sản hiện nay mà với mức 100 triệu đồng đã bị phạt tù là rất nặng", ông Trí nêu quan điểm.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì công việc chung. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu để pháp luật vừa chặt chẽ trong quản lý, răn đe giáo dục, không để người xấu lợi dụng, nhưng cũng tạo điều kiện để cán bộ thực hiện nhiệm vụ được yên tâm.
Thời gian qua các cơ quan chức năng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, hệ thống chính trị. Người cố tình làm sai, gây hậu quả, thiệt hại cho lợi ích nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân đã bị xử lý nghiêm. Ông Trí cho rằng phải ban hành, sửa đổi quy định pháp luật trong từng lĩnh vực, đảm bảo bịt lỗ hổng trong quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển và phục vụ tốt hơn cho nhân dân.
Ông lấy ví dụ, vừa qua xảy ra một số vụ án liên quan đến ngành y tế nên việc tổ chức đấu thầu, đấu giá mua sắm thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế bị đình trệ. Việc hợp tác kinh doanh đầu tư trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực xã hội bị dừng lại. "Đây là chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở. Có sai thì sửa nhưng cần tiếp tục làm. Nếu cứ để kéo dài tình trạng đình trệ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân", ông Trí nói.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho rằng, bác sĩ Việt Nam có tay nghề không kém các nước, nhưng nếu không có trang thiết bị, máy móc tiên tiến, hiện đại thì sẽ tụt hậu so với khu vực và thế giới. Người dân phải mất chi phí cao hơn khi ra nước ngoài khám chữa bệnh, đất nước mất đi nguồn thu từ dịch vụ này. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan ban hành văn bản tháo gỡ ngay vấn đề bất ổn trong lĩnh vực y tế.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Phó đoàn Lai Châu) cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương kết thúc thanh tra và sớm có kết luận đúng, sai với việc mua sắm trang thiết bị sinh phẩm y tế. Nếu để kéo dài sẽ tạo tâm lý lo lắng, không an tâm của đội ngũ y bác sĩ. Chính phủ cũng cần sớm rà soát pháp luật về y tế để sửa đổi phù hợp, giúp đội ngũ củng cố tổ chức bộ máy và vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại phiên thảo luận hôm qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trăn trở cán bộ y tế hiện rất hoang mang, loay hoay chưa tìm được đường đi, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai, bởi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh.