Chiều 27/7, thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, một số bộ như Khoa học và Công nghệ, Y tế, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu quan trọng về dịch tễ học cho kết quả tốt như chế tạo bộ Kit phát hiện Sars-Cov-2, sản xuất vaccine phòng Covid-19, sản xuất robot, máy thở, ứng dụng công nghệ kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ điều trị.
Tuy nhiên, việc sử dụng vốn nhà nước và ưu đãi thuế trong giai đoạn 2016-2020 chi ngân sách cho khoa học, công nghệ không đạt chỉ tiêu 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến vai trò vốn mồi của đầu tư công trong thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân; không thúc đẩy hợp tác công tư trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, tiếng nói chung giữa người làm khoa học và người quản lý tài chính chưa có trong một số vấn đề như quy định quản lý nhiệm vụ khoa học, sử dụng ngân sách... Việc chuyển giao kết quả phát triển nghiên cứu từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp còn chậm, chưa có quy định cụ thể về sử dụng ngân sách trong chi trả cho thử nghiệm lâm sàng. Một số cơ chế ưu đãi thuế khó thực hiện do chưa đồng bộ trong quy định giữa quy định thuế và khoa học công nghệ.
Theo ông Tuấn Anh, cử tri đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã có tầm nhìn khi xây dựng một số nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản từ năm 2011 như Chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2011-2015. Theo đó, dự kiến sản phẩm của chương trình này là sản xuất được một số vaccine và sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn các nước tiên tiến.
Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội bố trí ngân sách giai đoạn 2021-2025 và hàng năm xem xét tiếp tục bố trí ưu tiên vốn kịp thời cho nghiên cứu khoa học, công nghệ trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm mới phát sinh trên động vật và người, trước mắt là nguồn vốn cho phát triển công nghệ sản xuất vaccine phòng, chống Covid-19. "Tôi đề nghị bổ sung nội dung này trong điều 1 dự thảo nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn", ông nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết sớm các vướng mắc liên quan cơ chế ưu đãi thuế, đầu tư ngân sách nhà nước để tập trung nguồn lực cho khoa học công nghệ. Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng các thể chế, cơ chế đột phá vượt trội có kiểm soát về tài chính, các chính sách về thuế, cơ chế đầu tư mạo hiểm để huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ nói chung và phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh nói riêng.
"Đề nghị nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, XVI ưu tiên xây dựng Trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine quốc gia để phòng bệnh trong dài hạn", ông Tuấn Anh nói và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, công khai kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để giúp cho đại biểu Quốc hội, cử tri giám sát được hiệu quả nghiên cứu.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng đề nghị Quốc hội rà soát, bố trí vốn ở mức cao hơn cho lĩnh vực khoa học, công nghệ vì hiện nay mới được khoảng 1,8% tổng chi ngân sách nhà nước.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc) cũng đề nghị tăng chi cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là cho công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, năng lượng sạch.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay chi cho khoa học công nghệ chiếm khoảng 1-1,5% tổng chi ngân sách nhà nước, chưa kể chi các dự án đầu tư phát triển và bố trí chi thường xuyên. Do kế hoạch các địa phương và bộ, ngành giao chậm, quá trình chi tiêu không đảm bảo được tiến độ của dự án cho nên phải chuyển nguồn.
Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, hiện cơ chế của luật thuế và nghị định của Chính phủ đã có ưu đãi lớn đối với khoa học công nghệ. Ví dụ, thuế xuất nhập khẩu được miễn 5 năm đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, công nghệ cao; thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm 4 năm kể từ khi nhà máy đi vào sản xuất, sử dụng và giảm 50% của 9 năm tiếp theo...