Ngày 4/11, tại cuộc họp giữa UBND huyện Nam Giang và đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Đắk Mi 4 (công ty), ông Hồ Quang Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị công ty phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thủy điện xả lũ, sớm ổn định đời sống người dân.
Trước đó hôm 28/10, do ảnh hưởng của bão Molave, trên địa bàn Quảng Nam mưa lớn. Lúc 14h cùng ngày, lưu lượng về hồ Đắk Mi 4.481 m3/s, công ty phát thông báo tăng lưu lượng xả tràn đến 6.500 m3/s.
Đến 15h ngày 28/10, lưu lượng về hồ đạt 7.212,5 m3/s, công ty thông báo tăng lưu lượng xả tràn lần 2, dự kiến đến 11.400 m3/s. Lúc 15h45 phút, lưu lượng về hồ đạt đỉnh 15.571 m3/s, lưu lượng xả tràn 6.136 m3/s. Từ 16h đến 17h, công ty duy trì xả qua tràn lưu lượng 7.074 m3/s và giảm dần.
Ông A Viết Sơn – Phó chủ tịch UBND huyện Nam Giang, phản ánh việc xả lũ nói trên khiến hơn một trăm hộ dân ở thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy ở ven sông bị ảnh hưởng. "Nhiều nhà bị san phẳng, trôi vách tường, mái tôn. Thủy điện xả lũ ngay sau bão, người dân không thể vừa tránh bão, vừa tránh lũ được", ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, "khi nhận được thông báo xả lũ của thuỷ điện, chỉ 30 phút là lũ đã ùa về đến nhà dân, không ai kịp di dời tài sản. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp phải tình huống này".
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Mi (chủ đầu tư thủy điện Đăk Mi 4), cho rằng trước khi xả lũ đã thông báo đến Ban phòng chống thiên tai huyện Nam Giang kịp thời.
Tuy nhiên, ông nói cụm loa thông báo cho người dân đặt ở thị trấn Thạnh Mỹ có vấn đề. "Trước mùa mưa lũ chúng tôi đã kiểm tra, thấy hoạt động bình thường nhưng khi mưa lũ thì hoạt động không còn đáng tin cậy", ông Bình nói.
Đại diện công ty khẳng định việc xả lũ đúng quy trình và hợp lý. Trong đó thủy điện đã tăng dần lưu lượng xả từ thấp đến cao; nước về hồ là 15.500 m3/s, thủy điện đã xả 7.000 m3/s. "Nghĩa là chúng tôi cắt gần 50% lượng nước về hồ", ông Bình giải thích và cho biết đang phối hợp với huyện để hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Giang, nhìn nhận về cơ bản thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ đúng quy định. Tuy nhiên, việc phối hợp ứng phó, kết nối đường dây nóng giữa công ty thủy điện với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của địa phương chưa tốt. "Liên lạc điện thoại không được, hệ thống loa hỗ trợ, cấp báo cho người dân bị hư hỏng, mạng điện thoại gián đoạn nên thông tin đến người dân rất chậm", ông Chương nói.
Ông A Viết Sơn nêu ý kiến, nếu quy trình xả lũ đúng, nhưng gây thiệt hại cho người dân thì "phải coi lại". "May mắn là tính mạng người dân không sao, nhưng thủy điện nên hỗ trợ để người dân yên tâm", ông Sơn nói.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 4 cần thông tin kịp thời hơn, khẩn trương sửa hệ thống loa cảnh báo, không để tái diễn tình trạng "mạng đứt đường truyền và đổ lỗi cho loa".
Một tuần sau cơn lũ hôm 28/10, theo quan sát tại hiện trường, nhà cửa nhiều người ở thôn Bến Giằng, thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang) vẫn trong cảnh tan hoang. Căn nhà của chị Đước (38 tuổi) chưa được dựng lại. Dấu tích căn nhà vốn là cửa hàng tạp hoá chỉ còn lại hơn chục mảnh tôn móp méo mới được dân làng gom nhặt về, cùng một vách tường đổ và một vách gỗ.
Trước khi cơn bão đổ bộ, dân làng sống ven sông được đưa đi di tản ở những nơi kiên cố. Vợ chồng chị cũng dẫn theo hai con gái đi trú tránh. Chiều 28/10, bão tan. Lúc 18h, vợ chồng chị Đước về nhà thì thấy lũ từ con sông sau nhà lên nhanh. Khu dân cư mất điện, mất sóng điện thoại, không nghe được loa phát thủy điện xả lũ. "Chúng tôi không kịp lấy gì hết, chỉ lo chạy để giữ mạng sống. Cứ nghĩ đi chạy bão rồi về nhà, nào ngờ bây giờ không còn một cái gì hết", chị Đước nói.
Cạnh nhà chị Đước, hai căn nhà khác cũng bị nước lũ nhấn chìm. Đọng lại trên những nền nhà trống hua hoác là bùn non và rác thải. Phía bên kia đường, anh BNướch Nhua (30 tuổi) phơi từng cuốn sách giáo khoa và chọn vài bộ áo quần nhuốm bùn để giặt lại.
Từ trước đến nay, chưa bao giờ anh Nhua thấy lũ dâng cao và nhanh như vậy. Nước ầm ầm chảy về sông rồi trong chốc lát tràn lên đường. Tiếng nước cùng tiếng mái tôn va vào nhau, cà xuống nền đường bê tông khiến vợ chồng cùng hai con nhỏ hò nhau tháo chạy, leo đồi phía sau nhà để lên trú tạm ở Ban chỉ huy quân sự huyện.
"Lũ tràn vào nhà tôi 2 mét. Tivi, tủ lạnh và đồ đạc khác đều bị hư hỏng hết", anh Nhua nói, cho biết đến khoảng 20h thì lũ bắt đầu rút. Người dân lội trong bùn non cao ngang đầu gối đi nhặt nhạnh lại tài sản. Căn nhà xây bằng gạch của gia đình Nhua không bị cuốn mất, nhưng tường rào đã không còn.
Sáng 5/11, ông A Viết Sơn, Phó chủ tịch huyện Nam Giang, cho hay đang thành lập đoàn công tác thống kê thiệt hại của người dân, sau đó đề xuất UBND tỉnh cho ý kiến việc hỗ trợ. "Quyết định hỗ trợ như thế nào do UBND tỉnh và các đơn vị liên quan xem xét, khi có thông tin chúng tôi sẽ báo cáo với người dân", ông nói.
Nguyễn Đông - Đắc Thành