Cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/10, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) khẳng định, thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh miền Trung đang chịu hậu quả to lớn do thiên tai.
Nữ đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, dự thảo đưa ra hai phương án, trong đó phương án Chính phủ trình, giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh để tổ chức thẩm định các báo cáo dù có thuận lợi trong thủ tục hành chính liên thông song không bảo đảm tính khách quan. Vì vậy, bà ủng hộ phương án 2, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
"Phương án 2 sẽ thuận lợi cho việc đánh giá, thẩm định", bà Hoa nói và giải thích, UBND tỉnh sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường tại địa phương và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định trách nhiệm quản lý; bảo đảm tính khách quan vì tác động môi trường trực tiếp đến từng địa bàn thì trách nhiệm của UBND các địa phương phải thể hiện rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Ý kiến của bà Hoa nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu như ông Phạm Văn Tuân (Phó đoàn Thái Bình), Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế), Lê Minh Chuẩn (Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam)...
Đại biểu Tuân nói, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định. Quá trình thẩm định có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
"Trách nhiệm về bảo vệ môi trường, xử lý môi trường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố - đơn vị nắm chắc được mức độ tác động của dự án đến môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của dân cư tại địa phương", ông Tuân nói và cho rằng nếu giao nhiệm vụ nói trên cho UBND tỉnh thì sẽ thực hiện thống nhất từ khâu thẩm định, cấp giấy phép đến việc kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án.
Đại biểu Phạm Như Hiệp đánh giá, quy định theo phương án 2 sẽ đảm bảo sự phân cấp, phân quyền, đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Phó đoàn Quảng Ngãi) lại cho rằng điều kiện về vật chất, năng lực đánh giá, thẩm định tác động môi trường của đa số địa phương hiện nay còn nhiều hạn chế. Các dự án thuộc chủ trương cấp Bộ có quy mô lớn, địa phương khó thẩm định đạt chất lượng. Vì vậy, bà tán thành phương án 1, quy định Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành về xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
"Quy định thẩm quyền bộ, ngành tổ chức thẩm định để bảo đảm về thiết bị, nhân lực và có điều kiện mời chuyên gia các nơi tham gia Hội đồng thẩm định, khi đó báo cáo đánh giá tác động môi trường đạt kết quả chất lượng", bà Trang nói.
Tranh luận với bà Trang, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Ủy ban Quốc phòng An ninh) cho rằng không phải địa phương nào cũng thiếu điều kiện thẩm định đánh giá tác động môi trường, đơn cử như Hà Nội, TP HCM và các địa phương có kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, nếu các tỉnh chưa đủ điều kiện, Nhà nước cần có phương án để nâng cao năng lực của các địa phương. Với tinh thần bộ tinh, tỉnh mạnh, nâng tầm của tỉnh lên là phù hợp trong các luật mà chúng ta đang làm", ông Hồng nhấn mạnh.
Tiếp thu, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã ghi chép rất cẩn thận để nghiên cứu, tham mưu cho các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự án luật.
Dự án luật Bảo vệ môi trường trình xin ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020), dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 11/11.