Ngày 25/7, huyện Quỳnh Lưu cho biết đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thanh tra toàn diện việc tổ chức đấu giá 56 lô đất ở khu vực Đồng Quan, xã Quỳnh Hưng.
Theo báo cáo, ngày 20/6 huyện tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất 56 lô đất trên, kết quả đã đấu giá thành công các lô với tổng số tiền trúng đấu giá hơn 85 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị sau đó rà soát thấy người trúng đấu giá 23 lô đất là ông Nguyễn Văn Trọng, đang làm công chức kế toán xã Quỳnh Bá, em ruột của ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch huyện (Tổ trưởng giám sát đấu giá, người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm). Điều này vi phạm quy định của pháp luật.
Do vậy, huyện Quỳnh Lưu ra quyết định không công nhận ông Trọng trúng 23 lô đất và tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, yêu cầu công ty tổ chức đấu giá giải trình sự việc.
"Huyện Quỳnh Lưu nhận thấy đây là nội dung khó khăn, phức tạp về mặt pháp lý, đang có nhiều quan điểm khác nhau. Để đảm bảo tính toàn diện, chặt chẽ, khách quan, huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh thanh tra toàn diện việc tổ chức đấu giá 56 lô đất để kết luận và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật", văn bản của huyện Quỳnh Lưu nêu.
Ông Đặng Thanh Tùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Nghệ An, cho biết đã nhận được văn bản đề xuất thanh tra 56 lô đất của huyện Quỳnh Lưu. Đơn vị đang giao cho Sở Tư pháp tham mưu, sau đó mới phản hồi hướng xử lý.
Trước đó, huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo xã Quỳnh Bá tổ chức kiểm điểm ông Trọng, báo cáo huyện trước ngày 15/7. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch xã Quỳnh Bá, đơn vị sau đó đã phải hủy họp, do huyện yêu cầu "chờ hướng dẫn tiếp theo".
Thời điểm vừa bị hủy kết quả đấu giá, ông Trọng nói với VnExpress "rất buồn vì không tìm hiểu kỹ quy định, khiến mình và anh trai là Phó chủ tịch huyện chịu nhiều áp lực, làm ảnh hưởng đến các cơ quan, gây tiếng tăm trong dư luận".
Theo ông Trọng, con trai ông đang làm doanh nghiệp tại Hà Nội muốn mua 24 lô đất, bởi khu đất đấu giá nằm tiếp giáp tuyến đường liên xã, cách trụ sở xã Quỳnh Hưng chỉ hơn 100 m, thuận lợi cho việc kinh doanh sau này. Tuy nhiên, gần đến ngày đấu giá, gia đình con trai có người ốm, không về tham gia được nên ủy quyền cho ông.
"Theo quy định, nếu viết giấy ủy quyền, tôi chỉ được tham gia đấu giá một lô đất. Tuy nhiên, sau khi được công ty đấu giá tham vấn, tôi đã mua 24 bộ hồ sơ, đứng tên trực tiếp tham gia mua giúp con và trúng 23 lô. Không có chuyện tôi là em trai của Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu mà được ưu ái hơn", ông Trọng nói.
Theo ông Trọng, nếu ông được "ưu ái", giá đất đấu phải thấp, không thể chênh nhiều so với giá khởi điểm. Trong khi hôm đó, trung bình mỗi lô ông đấu cao hơn 300-800 triệu đồng so với giá khởi điểm, 23 lô trúng đấu giá trị giá hơn 30 tỷ đồng.
"Lương tôi một tháng hơn 6 triệu đồng, vợ buôn trứng, nên gia đình không thể có tiền tỷ để mua đất. Nếu tìm hiểu kỹ và biết bản thân không thuộc đối tượng được đấu giá thì tôi sẽ nhờ vợ hoặc người thân đứng tên mua hồ sơ đấu giá giúp, vừa được việc cho con, không ảnh hưởng tới uy tín anh trai", ông Trọng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu, khẳng định không có chuyện "ưu ái" cho người thân và bản thân không hề biết ông Nguyễn Văn Trọng tham gia đấu giá nhiều lô đất như vậy. Hơn nữa, buổi đấu giá được tổ chức bằng hình thức bỏ phiếu dán tiếp, ai đặt giá cao hơn sẽ trúng, không thể dàn xếp.
"Trong sự việc này, nếu em trai và các cháu hỏi ý kiến tôi trước khi làm hồ sơ tham gia đấu giá, mọi chuyện sẽ không phức tạp vậy", ông Quý nói.