Hiện cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Nguyễn Hạnh), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu là công dân Việt Nam nên IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trong góp ý gửi Chính phủ về cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra tình trạng quốc tịch của các cổ đông.
Theo cơ quan này, trường hợp các cổ đông góp vốn tại IPP Cargo Airlines mang 2 quốc tịch thì áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục đầu tư theo khoản 2, Điều 16 Nghị định 31/2021 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.
Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có quyền chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường, thủ tục như với nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài. Trường hợp họ chọn là nhà đầu tư trong nước, người mang hai quốc tịch không được thực hiện các quyền, nghĩa vụ với nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết các cổ đông đều là cá nhân quốc tịch Việt Nam, nên Công ty cổ phần IPP Air Cargo là doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Theo Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hoá của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư và không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Tuy nhiên, hàng không và vận tải hàng không là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng các quy định và được Thủ tướng chấp thuận về chủ trương lập, cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hóa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đề xuất lập doanh nghiệp hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá là phù hợp với quy hoạch ngành giao thông vận tải, hàng không...
Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương lập thêm hãng hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cập nhật tình hình phát triển ngành hàng không, trong đó làm rõ thực trạng thị trường vận chuyển hàng hoá đường hàng không, năng lực vận chuyển các hãng hiện có ...
Về điều kiện thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là ngành kinh doanh có điều kiện, nên mức vốn tối thiểu để lập, duy trì hoạt động đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng.
Hiện số vốn này đã được IPP Air Cargo góp đủ. Hồi tháng 2, hãng này cũng có giải trình bổ sung về phương án tăng vốn để bù đắp số thiếu hụt trong 3 năm đầu hoạt động do lợi nhuận có thể âm.
Trước đó, cuối tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo Thủ tướng việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa này cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng nêu ý kiến và giao lại cho Bộ Giao thông Vận tải và Cục hàng không xem xét.
Ngoài Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện Bộ Công an, Công Thương đã có góp ý về lập hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá IPP Air Cargo.
Cuối tháng 8, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay, chưa được cấp phép nhưng IPP Air Cargo đã nhận được nhiều đơn hàng vận chuyển từ đối tác. Ông kỳ vọng sẽ được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cơ quan quản lý cấp phép để hãng bay chở hàng đầu tiên của Việt Nam có thể cất cánh vào cuối năm nay.
Theo kế hoạch, nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận, sau khi Cục hàng không cấp phép bay, hãng cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi. Hãng bay có thể mất 30-45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.
Mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu.