Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày báo cáo dự kiến chương trình giám sát năm 2020.
Theo đó, dự kiến Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội giám sát một chuyên đề tại kỳ họp tháng 6/2020.
Trên cơ sở ý kiến các đơn vị liên quan, ông Nguyễn Hạnh Phúc trình 3 nội dung chuyên đề được đề xuất để Quốc hội lựa chọn là: Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Đa số thành viên Thường vụ Quốc hội đề xuất chọn chuyên đề một và hai. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chuyên đề một chỉ nên tập trung giám sát "tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em" vì nếu để tên như đề xuất ban đầu thì quá rộng.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội nên giám sát ở góc độ tư pháp, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em.
Theo bà Ngân, Quốc hội cần lên tiếng về vấn đề trẻ em và xem xét những vụ việc vừa qua khiến dư luận bức xúc; đơn cử mới đây ở Bình Chánh (TP HCM), cô gái 18 tuổi mang thai bị bạo hành khiến sảy thai.
Theo quy trình, nội dung giám sát sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2019.
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, như vụ người đàn ông 41 tuổi ở Thanh Xuân (Hà Nội) bị tạm giữ vì nghi dâm ô với bé gái 11 tuổi trong ngõ vắng; tại thang máy chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP HCM), ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, luật sư, cựu viện phó VKSND Đà Nẵng) bị phát hiện đã "có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy"...