Sáng 28/8, tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phó đoàn Hòa Bình Đặng Thị Bích Ngọc nhấn mạnh nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy nghiêm trọng là vi phạm quy định xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, đặc biệt là công trình xây dựng không phép, sai phép hoặc xuống cấp. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, nhà trọ và cơ sở sản xuất kết hợp nhà ở trong ngõ hẻm cũng là điểm nóng về cháy nổ.
Từ thực tế này, bà Ngọc đề xuất ban soạn thảo phân chia rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh để có quy định về phòng cháy chữa cháy phù hợp. Các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao cần được quản lý chặt chẽ hơn, còn các cơ sở ít nguy hiểm có thể được áp dụng những quy định linh hoạt hơn, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
"Việc áp dụng một quy chuẩn chung cho tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh là chưa phù hợp với thực tế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ đã phản ánh về những khó khăn khi phải tuân thủ quy định quá chặt chẽ", nữ đại biểu nói.
Dẫn số liệu, đại biểu Ngọc cho biết các bộ, ngành đã ban hành 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn thay đổi liên tục, thậm chí có tiêu chuẩn được cập nhật đến 3 lần chỉ trong vòng 3 năm. Nhiều tiêu chuẩn thiếu tính thực tiễn, không khả thi, khiến việc tuân thủ trở nên phức tạp.
Vì vậy, bà đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành rà soát, thống nhất lại hệ thống tiêu chuẩn hiện hành để tạo ra môi trường pháp lý ổn định, thuận lợi cho việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, đồng tình với quan điểm trên và cho rằng tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy đối với doanh nghiệp đang quá cao, khiến nhiều đơn vị e ngại triển khai các hạng mục liên quan. Có những doanh nghiệp chỉ đầu tư với số vốn một tỷ đồng, nhưng để đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành, họ phải chi thêm 2-3 tỷ đồng nữa cho hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Ông Minh cũng lo ngại về tình trạng thiếu quy định cụ thể và rõ ràng đối với các nhà ở trong ngõ hẻm, đặc biệt là những chung cư cũ ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, nơi điều kiện hạ tầng hạn chế và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn. Việc quy định nhiều cơ quan cùng tham gia thẩm định phòng cháy chữa cháy ở một công trình như hiện nay cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đại biểu đề xuất nên phân cấp thẩm quyền thẩm định dựa trên tính chất và quy mô của công trình, giao cho cơ quan công an hoặc cơ quan xây dựng chịu trách nhiệm chính. Điều này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Đại biểu Tô Ái Vang, Phó đoàn Sóc Trăng, nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật và hoàn thiện các quy chuẩn phòng cháy chữa cháy để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của đô thị. Các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định đầy đủ về hệ thống phòng cháy chữa cháy cho các tầng hầm, đặc biệt là trong các tòa nhà cao tầng.
Thực tế cho thấy nhiều tầng hầm thường được thiết kế với tường bêtông dày và cửa cuốn, gây khó khăn cho việc thoát nạn và chữa cháy khi xảy ra sự cố. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xây dựng quy chuẩn mới, quy định rõ ràng về lối thoát nạn từ tầng hầm, đảm bảo các lối thoát này phải thông thoáng, không bị ảnh hưởng bởi khói và nhiệt độ cao, đồng thời được trang bị hệ thống chiếu sáng và chỉ dẫn rõ ràng.
Bà Vang cũng đề nghị Chính phủ khuyến khích và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào phòng cháy chữa cháy, như việc phát triển các loại robot cứu hộ có thể hoạt động trong môi trường khắc nghiệt để hỗ trợ lực lượng chức năng tìm kiếm và cứu nạn.
Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5) và dự kiến được thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.