Ngày 25/5, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho nhận chìm bùn sét sau khi nạo vét cảng của nhà máy lọc hóa dầu, thực hiện từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 là 1,9 triệu m3. Khu vực nhận chìm rộng 400 ha, cách luồng hàng hải Nghi Sơn 22 km, cách ranh giới quy hoạch khu bảo tồn biển Hòn Mê 8,6 km, độ sâu khoảng 25-26 m.
Theo Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cảng của nhà máy được thiết kể để tiếp nhận tàu trọng tải trên 40.000 tấn, công suất nhập cảng 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Từ lần nạo vét gần nhất năm 2019 đến nay, khu vực luồng tàu bị sa bồi nghiêm trọng, không bảo đảm độ sâu để có thể tiếp nhận tàu dầu như thiết kế, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tải trọng tàu đã giảm còn 30.000 tấn khi nước lớn và 15.000 tấn khi nước ròng.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn, được Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt nêu rõ, công tác nạo vét duy tu là thiết yếu cho vận hành nhà máy. Vật liệu nạo vét được Bộ đánh giá phù hợp với nhận chìm biển và không phù hợp cho san lấp mặt bằng hay vật liệu xây dựng bởi thành phần cơ lý chất nạo vét chủ yếu là bùn, sét, tỷ lệ cát thấp.
Doanh nghiệp cũng trình bày chưa lựa chọn được địa điểm đổ số lượng lớn vật liệu nạo vét trên đất liền, ngoài ra phương án này sẽ phát sinh chi phí, kéo dài thời gian xử lý. Do đó doanh nghiệp đề nghị được cấp phép nhận chìm toàn bộ khối lượng nạo vét ở biển Nghi Sơn.
Theo đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hiện nay vùng biển Nghi Sơn đã được chấp thuận nhận chìm cho ba dự án nạo vét cảng biển và luồng hàng hải gồm: Dự án của Ban Quản lý Hàng hải giai đoạn 2021-2024, khối lượng 3,5 triệu m3; dự án cảng Long Sơn 2,8 triệu m3 và dự án của Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc 423.000 m3.
Do đó việc Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục đề xuất nhận chìm hơn 6,96 triệu m3 sẽ "vượt quá sức chịu tải môi trường của vùng biển Nghi Sơn, ảnh hưởng đến ngư trường đánh bắt gần bờ của ngư dân địa phương".
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay theo quy định, doanh nghiệp chỉ được nhận chìm chất nạo vét ở biển khi không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc không hiệu quả về kinh tế. Địa phương đề nghị Lọc hóa dầu Nghi Sơn nghiên cứu phương án đổ thải trên bờ tận dụng làm vật liệu san lấp vì nhu cầu này ở khu kinh tế Nghi Sơn đang rất lớn.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương liên quan giới thiệu, hướng dẫn cho doanh nghiệp các vị trí tiếp nhận chất nạo vét trên bờ phù hợp.