Công điện khẩn được Bộ gửi các tỉnh, thành ngày 26/2, sau khi Campuchia phát hiện ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1. Các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam được đề nghị xử lý nghiêm; những lô hàng bất hợp pháp phải tiêu hủy.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương chỉ đạo công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông.
Tình hình dịch bệnh phải được cập nhật qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh sẽ bị xử lý.

Chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Ngọc Thành
Hôm 23/2, chính quyền Campuchia báo cáo bé gái 11 tuổi tử vong do H5N1, xét nghiệm 12 người tiếp xúc với bé cho kết quả dương tính virus. Trong buổi họp báo ngày 24/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói tình huống H5N1 lan rộng ở Campuchia là đáng lo ngại, kêu gọi tất cả quốc gia toàn cầu nâng cao cảnh giác.
Virus H5N1 thường tồn tại ở gia cầm hoặc chim hoang dã, có thể lây lan cho người tiếp xúc gần, tỷ lệ tử vong 60%. Hiện WHO và các cơ quan y tế chưa chính thức xác nhận virus H5N1 có thể lây từ người sang người.
Các triệu chứng nhiễm H5N1 ở người gồm sốt cao trên 38 độ C, khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Một số bệnh nhân có thể bị đau bụng, tức ngực và tiêu chảy. Nhiễm virus ban đầu có thể tiến triển nhanh chóng thành bệnh hô hấp nghiêm trọng, với các biểu hiện như khó thở, thở gấp, viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính. Người bệnh cũng gặp các thay đổi về thần kinh, chẳng hạn co giật.
Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm H5N1 trên người, trong đó 64 ca tử vong.
Việt An