Chiều 23/2, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, cho hay Tổng cục đã có công văn đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng nghiên cứu đề xuất của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, trước việc nhiều xe chở hàng hóa của tỉnh này gặp vướng mắc khi vào TP Hải Phòng.
"Chúng tôi yêu cầu TP Hải Phòng nghiên cứu phương án giải quyết, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa của Hải Dương, vừa phòng chống dịch", bà Hiền nói.
Theo ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương, từ chiều 22/2, Hải Phòng phân luồng không cho các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5, đặc biệt là người và phương tiện từ Hải Dương. Các xe phải đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra vào Hải Dương qua nút giao với quốc lộ 38 gây ùn tắc.
Ngoài ra, theo yêu cầu của Hải Phòng, xe chở hàng hóa từ Hải Dương chỉ được vào thành phố khi có hợp đồng, đơn hàng cụ thể (nơi sản xuất, giao hàng, nơi nhận hàng), lái xe phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 3 ngày gần nhất; phải có giấy xác nhận của chủ doanh nghiệp vận tải là lái xe được ăn ở, quản lý tập trung. Các yêu cầu này dẫn đến khó khăn cho lưu thông hàng hóa ra vào cảng Hải Phòng.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, hôm nay (23/2) Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị có ý kiến với Hải Phòng để giải quyết vấn đề nêu trên theo hướng dừng việc phân luồng từ quốc lộ 5 đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đồng thời, hai bên thống nhất đề xuất phương án vận chuyển hàng, nhất là nông sản của Hải Dương qua cảng Hải Phòng.
Phương án đề xuất của Hải Dương là tài xế chở nông sản từ tỉnh này sau khi khử khuẩn, sẽ lái thẳng container ra cảng Hải Phòng để xuống hàng; riêng tài xế và phụ xe sẽ không xuống. Hàng xuống xong sẽ quay lại Hải Dương ngay.
Theo ông Lê Quý Tiệp, từ khi bùng dịch ngày 28/1 và dừng lưu thông đến nay, đã có hơn 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, tức khoảng 650 container loại 40 feet đã phải hủy lịch tầu và hủy hợp đồng, thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng. Nếu cà rốt và nông sản Hải Dương tiếp tục không thể xuất khẩu từ nay đến đầu tháng 3, thiệt hại ước tính khoảng 400 tỷ đồng.
"Hàng hóa tiếp tục ồn ứ khiến nông dân thiệt hại, còn ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, ảnh hưởng đến các hiệp định thương mại mà tỉnh lẫn các bộ ngành mất nhiều công sức mới đàm phán được", ông Tiệp lo lắng, trong bối cảnh Hải Phòng bùng dịch trở lại, các quy định sẽ còn siết chặt hơn.
Trước đó, trong hai ngày 21 - 22/2, UBND tỉnh Hải Dương liên tiếp ra hai công văn gửi Hải Phòng với nội dung "tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp". Chủ tịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái cho biết tỉnh này lên phương án trung chuyển hàng hóa, bằng cách các lái xe có xác nhận âm tính sẽ chở hàng từ tỉnh này đến tập kết tại chốt kiểm dịch giáp ranh giữa hai tỉnh, rồi lái xe đầu Hải Phòng tiếp quản, chở vào thành phố.
Hàng hóa đóng container được tài xế vận chuyển bằng xe đầu kéo tới điểm tập kết, cắt để lại moóc cùng hàng hóa. Lái xe đầu kéo phía Hải Phòng tiếp nhận chở về cảng. Doanh nghiệp hai bên tự liên hệ bố trí lái xe, phương tiện, cách thức giao nhận.
Song lãnh đạo Hải Phòng phản hồi phương án của Hải Dương đưa ra chưa hợp lý, do chốt kiểm soát chật hẹp, không thể để các xe tập kết. Doanh nghiệp phía Hải Phòng cũng không chấp nhận giao đổi xe. Hải Phòng đề nghị Hải Dương sớm có phương án khả thi hơn, để hai bên cùng nghiên cứu lại.
Ngoài các văn bản trên, Hải Dương ít nhất hai lần gửi công văn cho các tỉnh, thành trong đó có Hải Phòng, đề nghị tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa lưu thông qua các chốt kiểm soát, tính từ lúc bùng dịch 28/1.
Một số địa phương của Hải Dương tìm đường tiêu thụ nông sản ở tỉnh, thành lân cận. Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND TP Chí Linh, cho biết đã báo cáo tỉnh, đề nghị Sở Công Thương Hà Nội lên phương án hỗ trợ tiêu thụ khoảng 650.000 con gà đồi đến kỳ xuất bán, tương đương 1.600 tấn. Ngoài ra TP Chí Linh còn khoảng 150 ha rau màu đến kỳ thu hoạch chưa có nơi tiêu thụ. "Phía Hà Nội đã có ý kiến phản hồi, hai bên đang bàn bạc cụ thể phương án vận chuyển để đảm bảo an toàn phòng chống dịch", ông Kiên nói.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội chiều 22/2 cho biết, hơn 400 tấn nông sản Hải Dương đã được tiêu thụ tại Hà Nội những ngày qua. Sở đã kết nối với 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ, 59 đơn vị sản xuất để tìm cách thu mua. Đồng thời cùng với Sở Giao thông Vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện để xe chở nông sản Hải Dương vào địa bàn.
Hoàng Phương - Đoàn Loan