Sáng 9/11, tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả và tái thiết sau bão lũ cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số đại biểu cho biết thủ tục tiếp nhận hàng viện trợ hiện bất cập và đề nghị bộ ngành xem xét đơn giản hóa.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin, có 2 tổ chức phi chính phủ đăng ký hỗ trợ cho nhân dân vùng bão lũ 900 suất quà. Tuy nhiên do các thủ tục nên đến giờ vẫn chưa thể tiếp nhận được.
"Việc giúp đỡ cho nhân dân bị thiệt hại do bão lũ mang tính nhân đạo, người ta kịp thời hỗ trợ, mình không nhận sẽ bị nghĩ vô cảm", bà Ánh bày tỏ quan điểm và kiến nghị Chính phủ có ý kiến với Hội chữ thập đỏ, nếu Hội thấy vướng ở đâu cần báo cáo để tháo gỡ và tiếp nhận lô hàng trên.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, công tác tiếp nhận hàng viện trợ rất chậm. "Mất quá nhiều thủ tục, có những cái mất 4-5 tháng, thậm chí một năm, mất hết đi ý nghĩa của công tác cứu trợ", ông Thắng nói.
Thứ trưởng Nông nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát thủ tục, với lô hàng viện trợ thiên tai cần làm thật nhanh để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Thống nhất ý kiến, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đề nghị Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư rà soát thủ tục hỗ trợ, tham mưu trình quy định mới, để việc tiếp nhận viện trợ được tiến hành nhanh.
"Người dân cần bao nhiêu, xuất cấp bấy nhiêu gạo"
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương, Bộ Nông nghiệp nhanh chóng tổng hợp nhu cầu, đề xuất Chính phủ phê duyệt để tổ chức cấp phát gạo cho người dân. “Người dân cần bao nhiêu thì xuất cấp hỗ trợ bấy nhiêu, các địa phương, bộ, ngành khẩn trương tổng hợp, đề xuất để tổ chức cấp phát”, ông Dũng nói.
Theo Phó thủ tướng, trước mắt chính quyền cơ sở cần tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là đối với hộ có người chết và mất tích, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách. Cùng với đó, chính quyền hỗ trợ chỗ ở, lương thực đối với hộ bị mất nhà cửa; rà soát hộ có nguy cơ thiếu đói để hỗ trợ kịp thời.
“Đảm bảo không người dân nào bị đói, phải dùng nước không hợp vệ sinh, bị ốm đau mà không có thuốc điều trị. Các địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết trong việc bố trí nguồn lực hỗ trợ ngay cho người dân, đề xuất huy động lực lượng vũ trang giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Quân khu 5, Bộ Công an chi viện thêm lực lượng cho các địa phương giúp dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa bị sập đổ, hư hại, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp hỗ trợ địa phương các hoá chất cần thiết, hướng dẫn việc xử lý nguồn nước. Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở và cơ quan liên quan trực tiếp hướng dẫn, tổ chức triển khai, không để dịch bệnh bùng phát. Các địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, kiểm soát dịch bệnh trên người và gia súc.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị ngập sâu trong đợt lũ. Video: Đắc Thành.
Đề nghị hỗ trợ 3.400 tấn gạo cho các địa phương Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 9/11, bão lũ đã làm 91 người chết, 23 người mất tích, trên 1.400 nhà sập, gần 120.000 nhà tốc mái, gần 1.300 tàu thuyền chìm, hư hỏng... Hiện các cơ quan chức năng đã chỉ đạo việc cung ứng xăng dầu, dự trữ hàng hóa và bình ổn giá cả. Đến sáng 8/11, hầu hết cửa hàng xăng dầu đã bán hàng trở lại bình thường, các mặt hàng thiết yếu cơ bản không tăng giá, riêng rau, củ, quả tăng 3-25%, có nơi tăng 30-40% (Quảng Nam), gạch ngói, tôn lợp tăng 5.000 đồng/m2. Trung ương đã hỗ trợ khẩn cấp cho các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 100 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 1.000.000 viên hóa chất khử khuẩn CloraminB, 250 áo phao cứu sinh. Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 3.400 tấn gạo cho các địa phương bị thiệt hại (Quảng Trị 200 tấn, Thừa Thiên Huế 500 tấn, Quảng Nam 500 tấn, Quảng Ngãi 500 tấn, Bình Định 500 tấn, Phú Yên 500 tấn, Khánh Hòa 500 tấn, Đăk Lăk 200 tấn). |