Trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội ngày 21/1, Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
"Với trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, đại biểu cần dành thời gian thích đáng nghiên cứu, chắt lọc ý kiến đóng góp để thể hiện ý chí của nhân dân, đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị ý kiến để thảo luận, hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 5 và nhất là thay mặt nhân dân biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2013", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tránh hình thức khi lấy ý kiến người dân về Hiến pháp. Ảnh: TTXVN. |
Cũng trong văn bản này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, ở Việt Nam, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân nên phải được toàn thể nhân dân tham gia góp ý.
"Việc lấy ý kiến nhân dân phải thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đảm bảo tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức, thiết thực, bảo đảm phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, tập trung trí tuệ và tránh cách làm hình thức", Chủ nhiệm Ủy ban sửa đổi Hiến pháp yêu cầu.
Theo Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý, là đạo luật cơ bản, luật gốc của nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, lợi ích của toàn dân tộc. Thông qua Hiến pháp, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân được khẳng định; nhân dân trao quyền cho các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính hợp pháp cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước. Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời đến nay đã có 4 bản Hiến pháp, Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý đã được công bố để lấy ý kiến trên trang thông tin điện tử http://duthaoonline.quochoi.vn. Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992, bao gồm: lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp. |
Nguyễn Hưng