Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu đề nghị trên trong văn bản gửi các địa phương ngày 17/3. Bộ nhấn mạnh, tục "bắt vợ", "cướp vợ" là phản cảm, "không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, gây bức xúc dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mông". Các địa phương cần kiểm tra, bảo tồn có chọn lọc tập tục tốt đẹp, loại bỏ yếu tố tiêu cực.
Giữa tháng 2/2022, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, cho biết sẽ tổ chức phiên giải trình đặc biệt hoặc giám sát về hủ tục "bắt vợ", đồng thời đề xuất giải pháp cho việc này.
Trước đó ngày 7/2, trên đường tuần tra, đại úy Ly Ngọc Tuấn, công an xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, đã giải vây cho thiếu nữ người Mông bị "bắt" làm vợ.
Thiếu nữ mặc áo màu cam, váy vàng bị một thanh niên nửa ôm nửa kéo trên bãi đất trống ven đường. Cố vùng vẫy song không được, thiếu nữ cúi mặt vẻ cam chịu. Nam 18 tuổi, nữ 16 tuổi, đều chưa đủ tuổi kết hôn.
Sau khi được đại úy Tuấn can thiệp, thiếu nữ kể với người xung quanh: "Em xuống đây chơi thì bị nó kéo về. Bố mẹ em cũng bảo, nhưng nó không tha nên đi về rồi".
Pả Vi có khoảng 95% cư dân là người Mông, còn duy trì tục lệ "kéo vợ", đặc biệt là thanh niên nam nữ đi chơi hội xuân. Tục này ban đầu mang ý nghĩa tốt đẹp, trên cơ sở trai gái yêu nhau, đồng tình xây dựng gia đình. Theo thời gian, một số người lợi dụng, biến tướng phong tục, dẫn tới tảo hôn, nhất là thế hệ trẻ hiện nay không hiểu đầy đủ về tục lệ.