"Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên Nhà nước cần phải bảo vệ giới trẻ", bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, nói tại hội thảo Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, ngày 23/11.
Bà Trang cho rằng quy định cấm phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực, trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước bối cảnh các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội.
Hiện ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Tại Australia, nicotine nằm trong danh mục "chất độc dược" và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Khu vực ASEAN có 5 quốc gia cấm hoàn toàn là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ sử dụng các loại thuốc lá mới ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là trong học sinh, sinh viên, giới trẻ. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh/thành phố, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở cả nam và nữ tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần, còn nữ tăng 10 lần.
Các loại thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay, được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội và sử dụng bởi giới trẻ. Người dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, mạng xã hội.
Theo các chuyên gia, cho phép thuốc lá mới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ. Kèm theo đó là tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp và chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử; nguy cơ lạm dụng ma túy. Ngoài ra, có nhiều biến tướng trong quảng cáo khuyến mại thuốc lá mới, sử dụng hương vị để thu hút giới trẻ. Ví dụ, Hà Lan phát hiện gần 20.000 loại nhãn hiệu với các hương vị khác nhau.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO ở Việt Nam, nhận định hiện chưa có thị trường thuốc lá điện tử tại Việt Nam, chủ yếu là buôn bán trôi nổi qua hàng xách tay và qua Internet. Do đó, sẽ rất khả thi nếu ban hành quy định cấm trước khi các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trên thị trường.
"Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam", ông Lâm đề nghị. WHO khuyến cáo duy trì và tăng cường các quy định về cấm nhập khẩu và bán thuốc lá điện tử để ngăn sử dụng, chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.
Ông cũng nhìn nhận các quảng cáo thuốc lá điện tử đang nhắm đến giới trẻ. Đơn cử, một số công ty thuốc lá điện tử cấp học bổng để yêu cầu sinh viên viết bài luận về các chủ đề như sử dụng thuốc lá điện tử có thể mang lại lợi ích tiềm năng hay không. Các công ty này cũng chi mạnh tay để quảng bá sản phẩm trên phương tiện truyền thông xã hội hướng đến giới trẻ.
Lê Nga