Tham luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ 2022 của ngành Nội vụ sáng 12/1, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ luôn coi phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu trọng tâm và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ nhà giáo đang có ba vấn đề lớn, gồm: quy hoạch, rà soát, sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên; thực hiện chế độ chính sách với nhà giáo, liên quan đến thi đua khen thưởng và bồi dưỡng chất lượng.
Theo Bộ trưởng Giáo dục, trong các vấn đề đó, tình trạng thừa thiếu giáo viên đang được cả xã hội quan tâm. Xuất phát từ nhu cầu giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non và tiểu học do tăng dân số cơ học, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục đề xuất với Thủ tướng xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, theo yêu cầu của Quốc hội.
"Chúng tôi mong Thủ tướng quan tâm phê duyệt vì những chỉ tiêu này sẽ giải quyết được phần quan trọng trong vấn đề thừa thiếu giáo viên hiện nay", Bộ trưởng nói.
Khi chỉ tiêu này được phê duyệt, ông mong lãnh đạo địa phương tổ chức thi tuyển kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng. Trong đó, ngành Nội vụ theo chức năng thực hiện giám sát quá trình thi tuyển.
Bên cạnh đề nghị bổ sung giáo viên, Bộ trưởng Giáo dục cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ không đưa giáo viên và nhân viên y tế vào kế hoạch tinh giản biên chế 10%. Vì trong tình trạng thiếu giáo viên mà cắt giảm cơ giới 10% thì ảnh hưởng rất lớn đến lực lượng giáo viên, đến việc đảm bảo đổi mới giáo dục phổ thông cũng như chất lượng giảng dạy.
Ông cũng mong các địa phương tiếp tục rà soát, tái sắp xếp các cơ sở giáo dục phổ thông, để học sinh được hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, cũng như giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Ngành giáo dục có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là phát triển hệ thống các trường tư thục ở mầm non và phổ thông ở những vùng có điều kiện. Vì vậy, ông gửi gắm các địa phương, coi đây là giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội cho giáo dục.
Lãnh đạo ngành Giáo dục đề nghị các địa phương áp dụng hình thức ký hợp đồng để giải quyết trước mắt việc thiếu giáo viên, đặc biệt là ký hợp đồng đối với lực lượng giáo viên trong chuẩn cũ và có kế hoạch bồi dưỡng; sử dụng nguồn ngân sách của địa phương, đảm bảo nguồn ngân sách hợp pháp khác để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội có quy mô đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục lớn, 2.231 trên tổng số 2.483 đơn vị sự nghiệp (tỷ lệ 90%).
Biên chế giáo dục trên 99.400, chiếm 86% biên chế sự nghiệp Bộ Nội vụ giao năm 2021. Biên chế viên chức giáo viên theo định mức còn thiếu hơn 7.100 chưa được bổ sung, trong khi đó nhu cầu tăng trường, tăng lớp, tăng biên chế do dân số và học sinh vẫn tăng theo tốc độ đô thị hóa.
"Điều này đã và đang đặt ra bài toán hết sức khó khăn với Thủ đô trước yêu cầu đảm bảo đồng thời tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo có học sinh có giáo viên đứng lớp", ông Ngọc Anh nói.
Để triển khai có hiệu quả việc tiếp tục tinh giản biên chế sự nghiệp tối thiểu 10% nhiệm kỳ 2021 - 2025, Hà Nội đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp giải quyết kịp thời đối với các tồn tại lĩnh vực giáo dục. Theo ông, cần xác định rõ lại tỷ lệ định mức biên chế, chương trình học theo định mức mới, quan điểm về tự chủ đối với cơ sở giáo dục các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Theo Chủ tịch Hà Nội, các chủ trương của Trung ương đã rất rõ, nhưng khi các cơ chế chính sách chưa được ban hành kịp thời mà vẫn giảm biên chế cơ học là "chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động".
"Trong thời gian chưa có văn bản điều chỉnh, cho phép thành phố Hà Nội được tạm ký hợp đồng lao động đối với số giáo viên còn thiếu tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập có mức tự đảm bảo chi thường xuyên dưới 10%, nguồn kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục của UBND quận, huyện, thị xã", Chủ tịch Chu Ngọc Anh đề nghị.
Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương cũng đề nghị Chính phủ tinh giản biên chế nên loại trừ ngành giáo dục, y tế vì "tỉnh nào cũng thiếu biên chế giáo viên như Hà Nội".