Nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu trung ương đưa ra đề nghị trên tại phiên thảo luật về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, chiều 21/7. Ông Trí nói, hai năm qua, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội chưa có riêng văn bản chính thức nào về phòng chống dịch, bệnh này.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, cán bộ, nhân viên y tế rất cần hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không phải lo đến quy định, thủ tục rườm rà "mà đôi khi vì khẩn cấp và đặt sức khỏe con người lên trên hết mà tặc lưỡi bỏ qua, rồi vi phạm quy định".
Vị đại biểu công tác trong ngành Y đề nghị Quốc hội đưa Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sớm nhất, coi đây như luật khung để Bộ Y tế dựa vào, ban hành các thông tư hướng dẫn trong những lĩnh vực cụ thể.
Ông đề xuất, dự án luật cần luật hóa hình thức khám chữa bệnh mới đã được sử dụng trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid-19 thời gian qua - hình thức khám chữa bệnh từ xa Telehealth. Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, bệnh viện ông đã triển khai hình thức khám bệnh này hơn một năm qua, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có luật khung hướng dẫn.
"Dù Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh đã cố gắng ban hành các thông tư hướng dẫn nhưng vì không có trong luật nên rất khó khăn khi áp dụng diện rộng", ông nói, lấy ví dụ như việc cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc và chịu trách nhiệm về đơn thuốc đấy; hay quyền lợi của người bệnh, của bệnh viện trong quá trình khám bệnh từ xa đang bị vướng.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh, công tác xây dựng luật nên xem lại việc đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, mà giai đoạn hiện nay là đáp ứng được nhu cầu phòng chống dịch và bảo đảm quản lý nhà nước tốt.
Ông đề xuất Quốc hội cần đưa vào chương trình xây dựng năm 2022 Luật phòng bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân (được dự kiến xem xét trình thông qua năm 2019-2020); Luật trang thiết bị y tế (theo dự kiến là xem xét thông qua năm 2020); Luật về tình trạng khẩn cấp (dự kiến xây dựng năm 2021).
Lãnh đạo HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã được Quốc hội khóa XII ban hành vào cuối năm 2007, đã thi hành được 14 năm, rất lạc hậu nên "cần phải xem xét sửa ngay".
"Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét để cho ý kiến và giao cho Chính phủ, Bộ ngành sửa đổi Luật vào kỳ họp tiếp theo của năm nay để chúng ta có công cụ pháp lý quản lý và điều hành", ông nói, đề xuất chuyển tải những nội dung được nêu trong hàng loạt chỉ thị của Chính phủ để chống dịch thời gian qua như Chỉ thị 15, 16, 19, nghị quyết về những vấn đề cấp bách trong phòng chống Covid.