Chiều 27/3, sau hơn một ngày xét hỏi, VKSND Cấp cao đưa ra quan điểm về các kháng cáo liên quan vụ siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thanh câu kết 17 cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 433 tỷ đồng.
Sau án sơ thẩm, 13 trong tổng 26 bị cáo kháng cáo, kêu oan hoặc xin giảm nhẹ. Tại phiên phúc thẩm, một bị cáo là cựu nhân viên ngân hàng Việt Á (VietAbank) chấp nhận án 30 tháng tù treo, rút kháng cáo. Một bị cáo thay đổi kháng cáo kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt. Chủ mưu Nguyễn Thị Hà Thành, người bị cấp sơ thẩm quy kết là chủ mưu, xin giảm nhẹ án chung thân.
Tại tòa, bị cáo Thành được người nhà nộp thêm tiền khắc phục hậu quả, trình bày gia đình khó khăn, đang nuôi 3 con nhỏ. Thành xin dùng 26% cổ phần tại Công ty Cổ phần đầu tư MHD để khắc phục thiệt hại.
Thành trình bày tiền mua cổ phần vay mượn nhiều ngân hàng, gồm VietAbank, PVCombank và NCB, đưa cho người làm ăn cùng lâu năm là bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) mua hộ. Hiện số phần này đang bị VietABank phong tỏa.
Luận tội hôm nay, VKS đề nghị tòa chấp nhận VietABank tiếp tục phong tỏa số cổ phần để khắc phục hậu quả phần sai phạm của Thành với ngân hàng này, còn 249 tỷ đồng. Vì Thành khai nguồn tiền Thành dùng mua cổ phần do vay mượn cả 3 ngân hàng, do đó để đảm bảo quyền lợi của cả 3 ngân hàng này, VKS đề nghị tòa dùng số cổ phần này để khắc phục thiệt hại cho cả 3 ngân hàng, không riêng VietABank.
"Bị cáo Thành phạm tội nhiều lần (26 vụ), với số tiền rất lớn. Chỉ cần tính riêng một lần thì mức phạt đã đủ án chung thân. Thành kháng cáo xin giảm nhẹ, dù có vài tình tiết mới nhưng không đủ để chấp nhận", kiểm sát viên đánh giá, kiến nghị HĐXX bác kháng cáo của Thành và 9 người còn lại.
Ba bị cáo được VKS đề nghị giảm mỗi người 3 tháng đến một năm tù, do khắc phục thêm tiền, vai trò thứ yếu trong vụ án.
Ngoài kháng cáo phần hình sự của các bị cáo này, một loạt các cá nhân, doanh nghiệp, ngân hàng cũng kháng cáo về phần dân sự, song đều bị VKS đề nghị bác bỏ.
Theo phán quyết của tòa sơ thẩm, trong số 8 đại gia có các sổ tiết kiệm bị Thành mang đi thế chấp vay tiền tại các ngân hàng, 4 người được xác định là "bị hại", do bị Thành câu kết cán bộ ngân hàng lừa đảo. Phần thiệt hại của họ do Hà Thành bồi thường.
Những người này kháng cáo xin thay đổi tư cách tố tụng sang người liên quan, đề nghị ngân hàng trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho họ, do nhân viên ngân hàng có sai phạm thì pháp nhân phải chịu trách nhiệm. Yêu cầu này bị VKS đề nghị bác.
4 đại gia còn lại được tòa sơ thẩm xếp vào nhóm người có quyền nghĩa vụ liên quan, do xác định thực tế có quan hệ vay nợ với Thành. Họ bị cho rằng ham lãi suất cao do Thành hứa hẹn nên tạo các hợp đồng giả cách về việc đồng sở hữu sổ tiết kiệm với Thành để vừa nhận lãi ngân hàng, vừa nhận lãi thưởng mà Thành hứa hẹn. Sổ tiết kiệm của họ bị tòa sơ thẩm tuyên để nguyên tại các ngân hàng, chịu phong tỏa để đảm bảo nghĩa vụ bồi thường dân sự mà Thành gây ra cho 3 ngân hàng.
Họ kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên các ngân hàng giải phong tỏa để họ rút tiền về, do thủ tục gửi tiền vào ngân hàng hoàn toàn đúng luật. Yêu cầu này hôm nay bị VKS đề nghị bị bác.
Ba ngân hàng kháng cáo đề nghị tòa yêu cầu các đại gia đã nhận tiền lãi của ngân hàng, từ các hợp đồng giả cách với Hà Thành, phải trả lại số tiền lãi đã hưởng cũng không được VKS chấp nhận.
Công ty MHD được tòa sơ thẩm xác định đã nộp 25 tỷ đồng cho VietABank "bồi thường thay" cho Hà Thành, vì thế Hà Thành có nghĩa vụ trả lại cho MHD. Song tại phiên phúc thẩm, MHD không đòi Thành mà đề nghị VietAbank phải trả số tiền này.
Đại diện công ty cho hay, sau khi vụ án bị khởi tố, qua phương tiện thông tin đại chúng và nhận được thông báo của cơ quan điều tra, mới biết Tùng, khi đó là cổ đông và thuộc HĐQT của MHD, đã đem thế chấp tất cả giấy tờ gốc dự án MHD Trung Văn vào VietABank để khắc phục hậu quả.
"Khi đó chúng tôi cần giấy tờ để hoạt động và làm việc nên chúng tôi phải chấp nhận trả 25 tỷ này để lấy giấy tờ ra", chứ không phải thay Thành bồi thường. Trong mọi tài liệu hồ sơ đăng ký kinh doanh, Hà Thành chưa bao giờ là cổ đông của MHD, đại diện MHD nói tại tòa.
"Nhưng ngân hàng có ép MHD trả 25 tỷ này không hay MHD tự nguyện?", HĐXX hỏi. "Thời điểm đó để có giấy tờ hoạt động thì chúng tôi phải chấp nhận trả tiền", bà đại diện đáp.
Giải thích về kháng cáo thay đổi "đối tượng đòi tiền", đại diện MHD dẫn chứng, tòa sơ thẩm đã kết luận do sai phạm và sự thông đồng của Thành với cán bộ VietABank, cụ thể là Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh VietABank) để thực hiện vụ lừa đảo. "Đức chỉ ký phong tỏa trên giấy mà không phong tỏa trên hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Thảnh rút được 25 tỷ đồng từ tài khoản Công ty MHD mở tại VietABank", án sơ thẩm quy kết.
Vị đại diện do đó cho rằng, thiệt hại của VietAbnak do chính nhân viên làm sai gây nên. MHD do đó không có nghĩa vụ phải thay Thành trả tiền này. VietABank do đó, phải trả lại MHD 25 tỷ.
Đối chất tại tòa, Tùng khẳng định được Thành đưa 106 tỷ đồng để mua cổ phần MHD, nên khi Thành có sai phạm, theo đề nghị của Thành, Tùng đã dùng cổ phần của chính Thành tại MHD để làm tài sản thế chấp, bồi thường cho VietAbank. Tùng nói khi đó mình là đại diện pháp nhân MHD, và HĐQT công ty MHD khi đó biết việc Tùng thế chấp cổ phần của Thành "chứ không phải không biết".
Xét kháng cáo không có căn cứ, VKS cũng đề nghị bác nội dung này của MHD.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng.
Thanh Lam