Năm nay sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia, nên ngay khi Bộ Giáo dục công bố đề thi mẫu, Đỗ Phương Thảo, lớp 12 Địa THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cùng các bạn nhanh chóng làm thử. Nữ sinh cho rằng đề thi có nhiều đổi mới so với đề thi tốt nghiệp THPT và đại học trước đây, như có nhiều phần hơn, phân hóa rõ ràng, thuận lợi để đánh giá năng lực thí sinh. Song cũng vì vậy mà một số câu trong đề khó hơn, nội dung cũng rộng hơn. Những học sinh theo một khối từ trước, giờ phải học thêm môn trái khối sẽ gặp khó khăn với đề này.
Là học sinh theo khối C, Phương Thảo đánh giá đề Văn ngoài phần trong sách giáo khoa còn mở rộng ngoài chương trình. Câu văn học không theo hình thức bình luận hai ý kiến nữa mà là đề so sánh. Nội dung kiến thức rất rộng chứ không trọng tâm như trước. Đề cũng rất dài. Môn tiếng Anh thêm phần viết chứ không nguyên trắc nghiệm như trước. Còn với đề Toán, Thảo cho rằng rất khó để học sinh khối C như mình đạt 5-6 điểm.
"Em không đủ tự tin có thể đỗ vào trường mình dự định thi như mong đợi trước đây nữa. Đề thi này có nhiều câu dễ để học sinh đạt đủ điểm tốt nghiệp, nhưng những câu phân hoá, chọn học sinh vào đại học lại quá khó nhằn", Thảo tâm sự.
Các giáo viên ở trường cũng "căng đầu" vì những thay đổi trong đề thi. Để học sinh thích nghi được với đề thi mới, Phương Thảo được thầy cô giáo dạy tăng tốc hơn, mở rộng các văn bản văn chương ngoài chương trình, tăng cường viết câu tiếng Anh thay vì tập trung ngữ pháp như trước. "Chúng em đang phải học cật lực cả trên lớp, đi học thêm để bổ sung kiến thức. Các bạn cũng tích cực làm những đề tương tự đề minh họa để quen với cấu trúc mới", Thảo cho biết.
Các thí sinh khối A như Nam Anh (THPT Việt Đức), Quỳnh Vân (THPT Nhân Chính) cũng than "toát mồ hôi hột" với đề Toán, Lý, Hoá. "So với đề thi tốt nghiệp năm trước, đề minh họa khó hơn nhiều. Kiến thức trải dài suốt cả 3 năm THPT, có cả những phần chúng em ít học đến. Học sinh loại khá như em cũng phải vất vả mới đạt được điểm 7", Nam Anh nói.
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh đánh giá, đề thi môn Toán có 2 mục tiêu rất rõ ràng là tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học. Với mức độ đề như Bộ Giáo dục đưa ra, học sinh khá có thể đạt khoảng 5,5-7 điểm, học sinh trung bình đạt 4-5,5 điểm, học sinh yếu chỉ 0-4 điểm. "Với nội dung đề thi như Bộ Giáo dục công bố, mọi việc sẽ trở về đúng với bản chất thật của nó, không còn hiện tượng học sinh thi tốt nghiệp thì đạt 9-10 điểm, nhưng thi đại học chỉ có 3-4 điểm", thầy Thịnh nhận định.
Tuy nhiên, vì bằng tốt nghiệp năm nay sẽ không xếp loại, học sinh chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp là hoàn thành nhiệm vụ (nếu không thi đại học) và sẽ không còn gặp phải cảm giác e dè khi đưa ra cái bằng có xếp loại giỏi, khá, trung bình. Thầy Thịnh chỉ có thắc mắc nhỏ là nếu học sinh ở vùng nông thôn, không đi học thêm thì khó có thể làm được câu 4, câu 7 và câu 10. Như vậy có nghĩa là khả năng các em sẽ mất 3 điểm trong tuyển sinh đại học. Vậy thì mục tiêu giảm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có đạt?
"Nhưng xét cho cùng, tôi vẫn thích kiểu ra đề này, tất nhiên nếu cải tiến câu 4, 7, 10 thế nào đó cho vừa sức hơn thì sẽ tuyệt hơn. Tôi cho rằng năm nay Bộ đã làm được một việc đúng trong nỗ lực đưa mọi thứ trở về một trật tự phù hợp. Một điểm cộng xứng đáng cho những cố gắng nâng dần chất lượng giáo dục của Việt Nam", thạc sĩ Thịnh nói.
Thầy Phạm Hữu Cường (giáo viên Ngữ văn tại Trung tâm Hocmai.vn) cũng nhận định đề thi minh họa môn Văn đảm bảo phân loại thí sinh với sự thay đổi lớn về cấu trúc đề thi, thang điểm. Cụ thể, số lượng và tỷ trọng điểm câu hỏi nhận biết, thông hiểu tăng lên so với 5 năm trước đây. Câu đọc - hiểu chiếm đến 3 điểm với 8 ý nhỏ trong đề thi. Đây chính là chìa khóa để học sinh dễ dàng lấy 2,5 đến 3 điểm. Thầy Cường nhắc học sinh cần lưu ý, ngữ liệu trong câu hỏi đọc - hiểu có thể được lấy trong 2 tác phẩm và có thể là thơ, truyện ngắn, kịch, ký…
Câu hỏi Nghị luận xã hội vẫn chiếm 3 điểm trong đề thi. Tuy nhiên, trong đề thi minh họa, vấn đề được đưa ra là tổng hợp (về nghề nghiệp) chứ không cụ thể là nghị luận về tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống. Mặc dù giữ nguyên tỷ trọng điểm, nhưng sự thay đổi này giúp phân loại thí sinh với yêu cầu cao hơn trong vấn đề nghị luận, đòi hỏi học sinh cần tổng hợp, tư duy và bày tỏ quan điểm cá nhân rõ nét.
"Câu hỏi Nghị luận văn học chiếm 4 điểm thay vì 5 điểm như 5 năm gần đây. Tuy nhiên, yêu cầu trong đề thi không thay đổi nhiều. Học sinh cần lưu ý, mặc dù đề thi minh họa giới hạn trong 2 tác phẩm thơ nhưng đề thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể ra với thể loại khác với những yêu cầu khác", thầy Cường nhắc nhở.
Cũng là giáo viên của Trung tâm, cô Nguyệt Ca cho rằng về cấu trúc, đề thi mẫu THPT quốc gia môn Tiếng Anh có sự thay đổi bao gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận (thay vì hoàn toàn trắc nghiệm như 5 năm gần đây). Phần trắc nghiệm gồm 6 dạng bài trắc nghiệm (ngữ âm, ngữ pháp tổng hợp, tìm từ đồng nghĩa, phát hiện lỗi sai, đọc hiểu, điền từ) đòi hỏi các kỹ năng như viết, đọc, cách sử dụng từ/cụm từ, chức năng giao tiếp… Phần tự luận bao gồm một bài viết lại câu và một bài viết đoạn văn, yêu cầu học sinh phải có các kỹ năng tổng hợp về ngữ pháp, từ vựng và kỹ năng viết cơ bản (thành lập câu, sử dụng vốn từ vựng, tư duy mạch lạc).
Theo cô Nguyệt Ca, đề thi minh họa đảm bảo tính phân hóa cao bởi có thêm phần thi tự luận và tỷ lệ độ khó các câu hỏi có thể sẽ là: 20% dễ, 40% trung bình và 40% khó. Câu hỏi dễ và trung bình có kiến thức thuộc các chuyên đề: ngữ âm, ngữ pháp, chức năng giao tiếp. Ngoài ra, đề thi yêu cầu học sinh có khả năng vận dụng các cấu trúc ngữ pháp cơ bản để làm bài viết lại câu và viết đoạn văn trong phần thi tự luận.
"Câu hỏi khó thuộc các chuyên đề ngữ pháp và từ vựng nâng cao (Đảo ngữ, Phrasal verbs, Idioms….) và kỹ năng đọc - hiểu. Đồng thời, phần thi tự luận yêu cầu học sinh có thể vận dụng nhuần nhuyễn kỹ năng viết câu và viết đoạn văn", cô Nguyệt ca nhận định.
Quỳnh Trang - Lan Hạ