Lần đầu Dế Mèn phiêu lưu ký được chuyển thể thành phim điện ảnh dưới dạng 3D. Êkíp cho biết cải biên bối cảnh, một số nhân vật, để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Theo biên kịch, đạo diễn Mai Phương, câu chuyện gốc diễn ra ở đồng quê, phù hợp với thế hệ 7x, 8x. Để phim có màu sắc hiện đại, gần gũi với gen Z, họ chọn mô phỏng khung cảnh Hà Nội với các địa điểm nổi tiếng như công viên Lê Nin, Cột Cờ, cầu Long Biên.
Ngoài ra, họ tạo ra một khu vực giả tưởng mang tên Xóm Lầy Lội. Đó từng là một cánh đồng xanh, nhưng giờ trở thành nơi tập kết rác thải. Các sinh vật phải tìm nhiều cách để tồn tại. Đại vương Ếch Cốm, nhân vật xuất hiện trong truyện gốc, sẽ sống trong tòa lâu đài làm bằng rác thải tái chế.
Bên cạnh hai nhân vật chính là Dế Mèn và Dế Trũi, nhóm làm phim sáng tạo một số nhân vật mới, trong đó có Nhái Võ. Nhái Võ được tạo hình từ biểu tượng cao Sao Vàng, sản phẩm quen thuộc với nhiều người Việt. Một số con vật khác có tài hát quan họ, đánh trống cơm.
Phim lồng ghép nhiều câu ca dao, tục ngữ, bài thơ nổi tiếng, các làn điệu dân gian. Nhạc sĩ, nhà sản xuất Masew, phụ trách âm nhạc. Anh cho biết sáng tạo năm ca khúc, trong đó có hai bản rap, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, Masew mong muốn giới thiệu nhiều chất liệu dân gian, mang đậm văn hóa Việt, qua các bài hát trong phim. Êkíp không sử dụng các giọng ca nhí, vì muốn hướng đến đối tượng chính là thanh thiếu niên. Masew 29 tuổi, nổi tiếng qua nhiều ca khúc như Túy âm, À Lôi, là nhà sản xuất Việt Nam đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube.
Đạo diễn Mai Phương nói dù thay đổi nhiều chi tiết, bà giữ lại thông điệp nhân văn mà nhà văn Tô Hoài muốn truyền tải, đó là mong muốn muôn loài được sống trong thế giới bình đẳng, bác ái. Ngoài ra, bà đề cập những vấn đề thời sự như biến đổi khí hậu, tái chế rác.
Dế mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi Việt Nam và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tô Hoài vẽ nên một thế giới côn trùng sinh động với các loài Dế, Xén tóc, Cóc, Châu chấu, Kiến. Nhân vật chính của tác phẩm là chàng Dế mèn can đảm, tốt bụng, trượng nghĩa nhưng cũng có lúc kiêu căng, ngạo mạn, gây nhiều hậu quả. Tô Hoài viết tác phẩm từ năm 17, 18 tuổi. Bối cảnh cuộc phiêu lưu của Dế Mèn chính là vùng Nghĩa Đô ven sông Tô Lịch, nơi nhà văn dành cả tuổi thơ của mình ở đó với trò chơi đấu dế, đúc dế. Sách được dịch ra gần 40 thứ tiếng.
Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) tên thật là Nguyễn Sen, sinh ra trong một gia đình thợ thủ công. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tô Hoài nổi tiếng với sự nghiệp văn chương đồ sộ. Ông được nhiều nhà phê bình đánh giá là có năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ...
Tô Hoài được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1 - 1996) cho các tác phẩm: Xóm Giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế Mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ. Năm 2010, ông được trao Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.
Hà Thu