"Theo một số thống kê tại Việt Nam, bệnh lý sâu răng chiếm khoảng 40-50% và nha chu chiếm hơn 20%", TS.BS Trần Hùng Lâm, Chủ tịch Hội Cấy ghép nha khoa TP HCM, Phó Khoa Răng Hàm Mặt Trường ĐH Văn Lang, nói tại hội thảo về công nghệ và vật liệu mới trong nha khoa, ngày 13/10.
Theo bác sĩ Lâm, sâu răng phá hủy các mô cứng gây vỡ răng. Bệnh lý nha chu phá hủy các mô nâng đỡ răng như nướu, xương, các dây chằng quanh răng. Nếu không điều trị kịp thời, 2 bệnh này sẽ diễn tiến gây mất răng.
Mất răng sẽ gây nhiều hệ lụy như ảnh hưởng chức năng ăn nhai, lâu dầu gây các bệnh về tiêu hóa, dạ dày. Những răng còn lại sẽ xô lệch, tiêu xương hàm, ảnh hưởng thẩm mỹ khuôn mặt, mất tự tin khi giao tiếp.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tính, sâu răng và nha chu chủ yếu xuất phát từ vấn đề vệ sinh răng miệng chưa quan tâm đúng mức, tạo điều kiện vi khuẩn phát triển. Bệnh nhân thường đến khám trong tình trạng sâu răng khi đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến không giữ lại được răng.
Trước đây, người mất răng giả thường dùng hàm tháo lắp, thường rất khó ăn nhai. Phương pháp thứ hai là cầu răng sứ, giúp phục hình răng tốt hơn nhưng phải mài mòn hai răng bên cạnh, lâu dần dẫn đến tiêu xương, gây ảnh hưởng khuôn mặt. Gần đây, nhiều người lựa chọn cấy implant để không ảnh hưởng đến các răng xung quanh, chức năng ăn nhai tốt.
Tuy nhiên, cấy implant có chi phí cao hơn, một số bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý toàn thân không thể tiểu phẫu thì không cấy được. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề được đào tạo về cấy implant, thực hiện tại cơ sở được cấp phép.
Hiện, Việt Nam có 17 cơ sở đào tạo răng hàm mặt, song tỷ lệ bác sĩ trên dân số còn khá thấp so với các nước trong khu vực, lượng bác sĩ chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Trong khi đó, kinh tế phát triển, người dân quan tâm đến sức khỏe răng miệng nhiều hơn, nhu cầu ngày càng cao.
Bác sĩ Tính khuyến cáo người dân khám định kỳ răng miệng 4-6 tháng một lần, xử trí sớm các bệnh lý, trám răng khi xuất hiện những lỗ sâu nhỏ để giúp giữ được răng. Giữ gìn vệ sinh răng miệng, tập thói quen nhai cả hai bên hàm thay vì nhai một bên, không ăn thức ăn quá cứng.
Theo bác sĩ Lâm, nên đánh răng khoảng ba lần mỗi ngày sau khi ăn. Đặc biệt, lần đánh trước khi đi ngủ là quan trọng nhất, bởi vi khuẩn sẽ phát triển mạnh nhất khi ngủ trong thời gian dài.
"Nên đánh răng sau khi ăn sáng để làm sạch các mảng bám thức ăn, không cần đánh răng trước ăn sáng vì buổi tối trước khi đi ngủ đã đánh răng kỹ, khi ngủ dậy chỉ cần súc miệng", bác sĩ nói.
Lê Phương