Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Anh Tuấn |
Đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, không thể lấy nguồn thu thêm từ viện phí, học phí để bổ sung nguồn chi trả cho lương: "Đây là cách giải quyết tạm bợ, nếu Bộ trưởng ép đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên như thế này thì tôi cho rằng trách nhiệm của Bộ trưởng đối với tương lai đất nước là rất lâu dài". Từ nhận xét gay gắt trên ông kiến nghị: "Bộ trưởng phải thấy được nguồn từ chỗ lãng phí, thất thoát để thu về cho ngân sách chứ không phải ép 2 đội ngũ cán bộ giáo viên, y tế. Có làm như vậy Bộ trưởng mới xứng đáng với vai trò của mình".
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng khéo léo trở lại "câu chuyện ngân sách" muôn thủa. Ông cho biết, hiện cả nước chỉ có 300.000 biên chế nhưng quỹ tiền lương lại phải giải quyết cho 1.500.000 người trong khối sự nghiệp giáo dục, y tế. Ngân sách đang phải gánh rất nặng cho khoản chi lương của khối này. Theo ông, nếu tiền lương tối thiểu tăng thêm 10.000 đồng, nhà nước phải bỏ ra thêm 2.000 tỷ đồng. Nếu cứ như vậy thì chẳng mấy chốc chúng ta ăn hết ngân sách, trong khi nhà nước vẫn phải lo cho hàng loạt các vấn đề thiết yếu khác.
Theo bộ trưởng Hùng, việc cho phép các bệnh viện, trường học được thu phí, lấy đó là nguồn thu tăng thêm cho lương là điều tất yếu. Tất cả nguồn thu từ viện phí, học phí đơn vị được giữ lại và tự quyết định việc chi tiêu. Dần tiến tới để các đơn vị này tự lo trả lương từ chính những khoản thu phí.
Không đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Ngọc Trân về việc ép 2 khối bệnh viện và trường học thu phí, Bộ trưởng Hùng khẳng định người có điều kiện, có tiền đi học phải đóng tiền, đi khám chữa bệnh phải nộp phí. Còn người nghèo, đối tượng chính sách thì được nhà nước miễn, giảm: "Đây là chiến lược lâu dài và đúng đắn. Xin thưa với anh Trân vấn đề này cũng đã được Quốc hội quyết định", Bộ trưởng Hùng "chốt" lại.
Trả lời một đại biểu đề nghị Bộ Tài chính cho giữ lại khoản thu từ xổ số kiến thiết địa phương để đầu tư, Bộ trưởng Hùng cương quyết, xổ số kiến thiết cũng là nguồn thu, nguồn thu của địa phương hay trung ương cũng là của ngân sách Nhà nước, không thể có chuyện tách ra để đầu tư riêng. Song ông cũng khẳng định, việc sử dụng nguồn thu này như thế nào là quyền phân bổ của Hội đồng nhân dân địa phương đó.
Là người chất vấn sau cùng, đại biểu Nguyễn Lân Dũng nêu ra vấn đề "thâm cung" của ngành công đoàn, đó là việc sử dụng khoản 2% kinh phí. "Nếu tính 2% lương của cả nước thì đó là khoản thu cực lớn. Bộ Tài chính có quản lý được khoản thu này không, trong khi công đoàn các địa phương xây khách sạn khắp nơi để kinh doanh thu tiền?", ông Dũng chất vấn.
Không đi thẳng vào câu hỏi, người đứng đầu ngành tài chính chỉ trả lời vắn tắt, khoản thu này do công đoàn quản lý: "Trong Quốc hội có Chủ tịch công đoàn, chúng tôi đang bàn với nhau xem mức thu 2% đã hợp lý chưa".
Trả lời kiến nghị của ông Dũng về khả năng thành lập một quỹ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các ứng dụng cho nông nghiệp, Bộ trưởng Hùng lại chuyển vấn đề sang cho Bộ trưởng Khoa học công nghệ. "Đây là vấn đề của anh Phong (Bộ trưởng Khoa học công nghệ). Tôi sẽ chuyển sáng kiến này để anh Phong nghiên cứu nếu hay thì sẽ đề xuất Chính phủ xem xét quyết định".
P.H.