Gần 107.000 thí sinh vừa kết thúc hai ngày thi vào lớp 10 công lập với ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chủ yếu thi tiếng Anh).
Đề Ngữ văn gồm hai phần, trong đó phần I tập trung kiểm tra kiến thức, kỹ năng thông qua bài "Mùa xuân nho nhỏ"; phần II là câu hỏi nghị luận xã hội với chủ đề "sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn".
Các giáo viên tổ Xã hội của trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình), nhận xét đề thi vừa sức, dạng đề không thay đổi so với mọi năm nên thí sinh dễ xử lý. Nội dung đề hướng tới vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đây là điều quan trọng, gần gũi trong xã hội nên các em dễ dàng liên tưởng và lấy dẫn chứng.
Về yêu cầu kiến thức, đề ra ở mức độ cơ bản, chủ yếu nằm trong chương trình học kỳ II lớp 9. Thời điểm này, các em đã trở lại học trực tiếp nên quá trình ôn tập thuận lợi. "Hai năm học vừa qua, dịch bệnh đã khiến thời gian ở nhà của học sinh nhiều hơn đến lớp. Do đó, đề thi không đánh đố, có ý nghĩa tích cực, nhân văn với các em", đại diện THCS Nguyễn Tri Phương cho hay.
Cô Phùng Thu Hằng, Tổ trưởng tổ Văn Sử, THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa), đánh giá đề thi bám sát nội dung học tập, phù hợp với trình độ của đa số học sinh hiện nay nhưng vẫn có câu hỏi phân hóa, các em có thể phát huy phẩm chất, năng lực, đặc biệt với câu nghị luận xã hội ở phần II. Theo cô, để viết sâu sắc, học sinh cần có hiểu biết về xã hội, cuộc sống xung quanh và đặc biệt thấu tỏ sự vô giá của vẻ đẹp trong tâm hồn mỗi người.
Từ những phân tích trên, cô Hằng dự đoán phổ điểm trung bình môn Văn là trên dưới 7, tương tự mọi năm.
Với môn Tiếng Anh, nhiều giáo viên cho rằng đỉnh phổ điểm sẽ rơi vào 7-8 khi đề thi có 75% câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu.
Cô Nguyễn Nguyệt Ngư, Tổ trưởng tổ Ngoại Ngữ, THCS Thái Thịnh, cho biết cấu trúc đề Tiếng Anh tương tự năm trước, học sinh đã được ôn luyện kỹ theo dạng đề nên sẽ không gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, phần trọng âm rơi vào từ có hai âm tiết, với quy tắc trọng âm đã được học ở lớp 7. Phần từ vựng, ngữ pháp với các kiến thức liên quan đến từ nối, đại từ quan hệ, mối quan hệ giữa các thì trong tiếng Anh, giới từ đều được ra ở mức nhận biết, thông hiểu. Bài đọc có chủ đề quen thuộc và các câu hỏi đều có dấu hiệu giúp học sinh lựa chọn được đáp án.
Những câu phân loại học sinh chủ yếu nằm vào phần viết (câu 37-40) do các em phải vận dụng tổng hợp các phần ngữ pháp đã học để chọn được đáp án đúng. "Với đề này, đỉnh phổ điểm ở mức 7-8", cô Ngư dự đoán.
Các giáo viên tổ Tiếng Anh, Hệ thống giáo dục Hocmai, chung nhận định và đánh giá cao đề thi năm nay khi không đưa ra nhiều câu đánh đố, tăng số lượng câu hỏi kiểm tra vốn từ vựng của thí sinh.
Cấu trúc đề giữ ổn định so với mọi năm cũng là nhận xét được nhiều giáo viên đưa ra với môn Toán. Với năm bài trong đề, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng THCS Thái Thịnh, đánh giá phù hợp với đại đa số học sinh có thời gian dài học trực tuyến.
Các dạng toán được đưa ra quen thuộc. Ví dụ ý 1 của bài II là bài toán giải bằng cách lập phương trình, hệ phương trình. Bài toán thuộc dạng toán chuyển động quen thuộc, học sinh được làm quen, luyện tập nhiều trước kỳ thi.
Dù "khá nhẹ nhàng và không bất ngờ", đề vẫn có tính phân loại các học sinh trung bình, khá, giỏi nhờ các câu I.3, III.2b; IV.3 và bài V - những câu mà học sinh cũng thường lo lắng ở đề thi mọi năm. Tuy vậy, mức độ khó của các câu này đã được giảm nhẹ để phù hợp với lứa học sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Riêng bài IV.3 và bài V khó, mang tính phân loại cao.
Thầy Võ Quốc Bá Cẩn, giáo viên Toán trường THCS Archimedes (quận Cầu Giấy), cũng nhận định các câu hỏi được đưa ra trong đề nhẹ nhàng với cấu trúc quen thuộc. Hai câu hỏi mang tính phân loại cao nhất là IV.3 và V. Nhiều học sinh sẽ bỏ hai câu này, đặc biệt là câu IV.3.
"Mức điểm phổ biến sẽ là 7-8", thầy Cẩn nói. Tổ Toán, Hệ thống giáo dục Hocmai, cũng dự báo mức điểm trung bình thí sinh đạt được rơi vào khoảng 7.
Không chỉ giáo viên, nhiều học sinh cũng nhận định đề thi ba môn năm nay "dễ thở". Huỳnh Quang Vinh, THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy), cho rằng cấu trúc đề quen thuộc, câu hỏi không đánh đố. Như môn Tiếng Anh, em chỉ phân vân một câu và nhiều khả năng đạt 10. Còn với Ngữ văn - môn học không phải thế mạnh, Vinh vẫn chắc chắn đạt trên 7 bởi những yêu cầu được đưa ra nằm trong phần trọng tâm, đã được giáo viên ôn luyện kỹ lưỡng.
Nguyễn Tuấn Anh, THCS Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), còn đánh giá đề thi cả ba môn năm nay dễ hơn năm ngoái. Dù không chắc chắn ở một số câu hay bỏ hai ý ở môn Toán, em nghĩ kết quả thi ổn. "Hy vọng em có thể trúng tuyển vào trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai như mục tiêu đặt ra", Tuấn Anh nói.
Với các nhận định trên, hiệu trưởng nhiều trường THCS dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái khi tính trên ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (năm ngoái có thêm môn Lịch sử).
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Ba Đình chia sẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ học sinh về đề thi và mức điểm có thể đạt được. Phần lớn trong số đó làm được bài với mức điểm phổ biến là 7 ở cả ba môn. Do đó, bà dự đoán tổng điểm ba môn tăng khoảng 1 so với các năm trước.
Thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng THCS Thái Thịnh, cho rằng điểm chuẩn sẽ không tăng mạnh, chỉ tăng khoảng 1-1,5 điểm.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội diễn ra trong hai ngày 18-19/6 với gần 107.000 thí sinh tham dự. Thí sinh làm ba bài thi và điểm xét tuyển bằng tổng điểm Toán và Ngữ văn nhân 2 cộng Ngoại ngữ và điểm ưu tiên. Khoảng 64,7% sẽ trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Số còn lại học tại các trường tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Kết quả thi được công bố chậm nhất vào ngày 9/7.
Dương Tâm - Thanh Hằng