Đôi bạn trẻ Minh Ngọc - Tuấn Anh ở Hà Nội dự định kết hôn gần một năm trước, nhưng mỗi lần tìm hiểu và thống nhất về thời gian, họ đều cảm thấy không sẵn sàng vì chưa lo đủ chi phí. Nhưng cứ sau mỗi lần dự định như vậy, giá cả mọi thứ lại tăng lên chóng mặt, khiến ngân sách đã thiếu lại càng thiếu hơn. Ví dụ, cùng một mẫu váy cưới cô dâu Minh Ngọc chọn năm trước, tới năm nay đã được bán với giá cao hơn 2 triệu đồng.
Tương tự đôi này, hầu hết cô dâu chú rể tương lai có mối bận tâm lớn nhất cho ngày trọng đại là tài chính. Tuy vậy, không phải ai cũng biết cách chi tiêu hợp lý để có thể hài lòng sau ngày cưới.
Theo chị Như Cầm, một wedding planner giàu kinh nghiệm tại TP HCM, trong các chi phí đám cưới, cô dâu chú rể nên cân nhắc mục nào cần thiết thì chi nhiều, mục nào ít cấp thiết hơn thì có thể giảm hoặc cắt bỏ.
Các đôi uyên ương thường phải dành khoảng 50% ngân sách cho buổi tiệc, 40% tiếp theo cho những hạng mục như hoa cưới, chụp ảnh, trang phục, bánh cưới, chi tiết trang trí. Và 10% còn lại sẽ là phần của thiệp, quà cảm ơn, sổ lưu niệm và chi phí phát sinh khác.
Tùy theo nhu cầu hay thứ tự ưu tiên mà cô dâu chú rể nên cân đối các khoản chi, chú trọng hay bỏ qua việc nào để đám cưới tiết kiệm nhất. Nếu là gia đình truyền thống, quan trọng phần tráp lễ vật cho ngày ăn hỏi, đón dâu và tiệc đãi khách, cô dâu chú rể nên giảm chi phí ở các phần không cần thiết như trang trí, váy áo, chụp ảnh... Ngược lại, nếu trẻ trung, muốn đám cưới đẹp, lạ, bạn nên chú trọng tới phần trang trí đám cưới.
Cũng theo nhà tổ chức chuyên nghiệp, cách tiêu tiền thông minh nhất khi chuẩn bị cưới là nên tham khảo nhiều dịch vụ. Từ đó, bạn sẽ chọn được nơi cung cấp thích hợp nhất với khả năng chi trả.
Với suy nghĩ này, cô dâu Hoàng Dung ở Hà Nội chia sẻ, sau khi tham khảo giá ở nhiều nhà hàng tổ chức tiệc cưới, cuối cùng cô chọn nhà hàng nhỏ ở quận Tây Hồ, không nổi tiếng nhưng mới xây và giá cả tốt. Nhà hàng đầu tiên ở quận Ba Đình cô đến chào giá 3 triệu đồng một bàn tiệc dành cho 6 người, ngoài ra còn cần trả 9 triệu đồng để thuê địa điểm cưới. Ở nhà hàng Tây Hồ, cô chỉ phải trả 2,5 triệu cho mâm tiệc 6 người và không cần trả thêm chi phí địa điểm.
Với ảnh cưới, Hoàng Dung không chụp ảnh ngoại cảnh cầu kỳ mà chọn chụp trong studio. Phí chụp ảnh trong studio không đắt, dao động 2-3 triệu cho một abum, bằng khoảng 1/3 giá chụp ngoại cảnh. Việc tiết giảm nghe chừng không lớn, nhưng khi cộng nhiều khoản dư thừa, Dung đã tiết kiệm được số tiền đáng kể.
Để không "vung tay quá trán", cách tốt nhất là các tân lang tân nương tương lai nên đặt ra mức chi tiêu trần. Cô dâu Minh Vy (Bình Dương) chia sẻ, khi nhìn thấy nhiều món đồ đẹp cho đám cưới, cô thường không kìm lòng nổi và chọn cách mua tất cả, hoặc sẽ chọn mua thứ đắt nhất, với suy nghĩ đồ nhiều tiền sẽ tốt nhất.
Theo dự định, Vy muốn chi khoảng 5-7 triệu đồng cho phần váy cưới. Nhưng thực tế, khi đi thử váy, quá kết kiểu dáng mới ra, cô chấp nhận may một chiếc mới tinh với giá 17 triệu đồng. Đám cưới kết thúc, Vy bình tĩnh suy nghĩ lại và nhận thấy nếu khi đó thuê váy cưới với giá 5 triệu đồng thì có thể tiết kiệm 12 triệu đồng cho tuần trăng mật hoặc mua sắm thêm cho cuộc sống sau này.
Để "chữa cháy" phần ngân sách bị vượt mức, cô phải bỏ hết phần trang trí cho tiệc và bỏ cả phần thuê ca sĩ về hát góp vui cho đám cưới. May mắn, cô không bị thiếu hụt quá nhiều tiền, nhưng lại cảm thấy đám cưới kém vui vì không được như dự định.
Đây cũng là kinh nghiệm chung của nhiều bạn trẻ. Họ cho biết vài lần chi vượt ngân sách sẽ không sao, nhưng khi cộng dồn mới thấy mình phải chi trả quá nhiều. Lúc ấy không có cách nào khác, các đôi uyên ương phải "giật gấu vá vai", khiến đám cưới không như đã định.
Nhiều người khi chuẩn bị cưới thường có tâm lý vay tiền làm cho hoành tráng, lấy "oai" trước rồi trả sau, nhưng đôi khi chính khoản vay này lại trở thành gánh nặng cho cuộc sống về sau. Chú rể Tuấn Anh ở Ninh Binh chia sẻ, vì làm ở cơ quan nhà nước, lương không cao, lại phải tổ chức cưới ở ba nơi gồm Hà Nội là nơi làm việc, Ninh Bình và Hải Phòng là quê nhà của hai người nên Tuấn Anh quyết định vay 50 triệu đồng để đám cưới dư dả. Nhưng sau đám cưới, tiền mừng thu lại không bao nhiêu nên hơn một năm sau anh mới trả xong nợ. Trong suốt một năm hậu cưới đó, anh và vợ không có tuần trăng mật, không dám tiêu xài nhiều mà mải tích cóp trả nợ, gây nên cảm giác mệt mỏi, thất vọng.
Theo kinh nghiệm của những người tổ chức đám cưới chuyên nghiệp, biện pháp tốt nhất là khi lựa chọn bất cứ dịch vụ nào, cô dâu chú rể cũng cần bàn bạc hoặc cùng đi để có được quyết định cuối cùng hợp lý nhất. Ngoài ra, hai người cũng cần có quyển sổ chi tiêu cho đám cưới và quản lý chặt chẽ từng khoản sao cho ngân sách được cân bằng, ổn định nhất. Việc đình đám nên phụ thuộc vào khả năng tài chính của cô dâu chú rể và hai bên gia đình. Nếu không có nhiều chi phí, đôi uyên ương nên mời ít bạn bè, tổ chức cưới đơn giản, nhỏ gọn để tiết kiệm. Ngược lại, đám cưới hoành tráng, lộng lẫy với tiệc cưới được tổ chức ở nơi sang trọng sẽ tiêu tốn nhiều tiền hơn.
Linh Linh