Nội dung này nằm trong bản kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ngày 3/12.
Hiệp hội cho rằng chương trình mới (chương trình giáo dục phổ thông 2018) có nhiều điểm khác biệt so với trước, gồm việc chọn môn ở cấp THPT.
Cụ thể, học sinh cấp này phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, các em lựa chọn 4 trong 9 môn khác (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song thực tế mỗi trường THPT thường có khoảng 5-8 tổ hợp, chủ yếu chia thành hai nhóm tự nhiên và xã hội, tùy số giáo viên và cơ sở vật chất.
Việc chọn môn diễn ra ngay khi học sinh vào lớp 10. Theo hướng dẫn của Bộ, học sinh có thể đổi tổ hợp nhưng phải vào cuối năm học. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng việc này khá khó khăn, do không phải trường nào cũng có thể đáp ứng tổ hợp mà các em mong muốn.
Việc chọn môn không chỉ dừng lại ở chương trình học, mà còn liên quan đến môn thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 gồm 4 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Văn, hai môn lựa chọn nhưng phải từ các môn đã học ở lớp 12. Vì thế, các em cũng bị hạn chế về tổ hợp xét tuyển ở đại học.
Xem 36 tổ hợp thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
Hiệp hội cho rằng việc bắt học sinh phải xác định môn lựa chọn từ đầu cấp, lại khó điều chỉnh, đồng nghĩa các em phải sớm khẳng định hướng chuyên môn sâu. Trong khi đó, hoạt động hướng nghiệp còn nhiều hạn chế.
"Học sinh chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ ở cấp THCS để chọn môn ở bậc THPT, rồi từ đó căn cứ vào các môn lựa chọn để xét tuyển đại học là một đòi hỏi vô lý", hiệp hội đánh giá.
Tổ chức này cũng thấy rằng nhiều tổ hợp môn lựa chọn do trường THPT xây dựng có thể không phù hợp với năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh; số lượng tổ hợp tự nhiên đang bị lép vế với tổ hợp xã hội. Hệ quả là nguồn đầu vào các ngành khoa học tự nhiên sụt giảm, về lâu dài không đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước.
Lo giảm cơ hội vào đại học vì không được thi quá hai môn lựa chọn
Trước mắt, Hiệp hội cho rằng Bộ cần chỉ đạo rà soát danh sách tổ hợp các môn lựa chọn, cho học sinh chuyển tổ hợp theo nhu cầu, tạo thuận lợi trong xét tuyển đại học. Theo hiệp hội, các tổ hợp môn lựa chọn cần được xây dựng dựa trên ý kiến học sinh, đáp ứng tối đa nhu cầu của các em.
Hiệp hội cũng gợi ý bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề vào nội dung tự chọn cấp THPT. Các tổ hợp môn mang tính "định hướng nghề nghiệp" sâu sẽ giúp chương trình đa dạng hơn, góp phần phân luồng và định hướng học nghề.
Về lâu dài, cơ quan này kiến nghị hoạt động hướng nghiệp chuyên sâu từ cấp THCS được triển khai sâu rộng và quyết liệt hơn, giúp học sinh sớm nhận thức về ngành nghề tương lai để chọn môn phù hợp. Ngoài ra, Bộ nên cho các em chuyển môn linh hoạt, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực đầu vào cho các ngành khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên.
Thanh Hằng