Nghiêm trọng nhất là trên tuyến đê hữu Đà, chỉ với 1 km (từ km 4+500 đến km 5+500) đã xuất hiện 238 vết nứt ngang dọc. Khu vực bị nứt nghiêm trọng (chạy qua thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà) nằm gần địa điểm vỡ đê năm 1971. Trên tuyến đê hữu Hồng chạy qua huyện Ba Vì cũng xảy ra tình trạng tương tự. Từ km 12+900 đến km 16 +500 có tới 200 vết nứt, có vết kéo dài 40 m. Ngoài ra, trên tuyến đê hữu Đáy, Vân Cốc, Ngọc Tảo cũng xuất hiện những vết nứt. Ông Lưu Đình Chi, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Tây giải thích sự cố nứt mặt đê là do hiện tượng co ngót cơ học. Thân đê có hàm lượng đất sét lớn, khi gặp thời tiết khô hanh, nước bốc hơi hết sẽ sinh ra vết nứt. Ông nói thêm: "Các vết nứt đã có từ lâu và phát triển ngầm sâu trong thân đê. Do mặt đê được rải cấp phối nên các năm trước chúng không lộ rõ trên bề mặt. Riêng năm nay, những vết này đã tăng độ biến và lộ rất rõ". Hiện nay, Chi cục xử lý các sự cố nứt bằng phương pháp khoan nhồi vữa, đã có 100 điểm được xử lý. Với vết nứt nhỏ, Chi cục đang chỉ đạo tiếp tục phụt vữa tạo màng. Ông Chi đánh giá hiệu quả của phương pháp này rất tốt, chi phí rẻ. Tuy nhiên ông Nghiêm Xuân
Đê hỏng tại thiếu kinh phí của trung ương? Đoạn đê hữu Hồng đi qua xã Tây Đằng, huyện Ba Vì (dài chừng 1 km) bị cày nát bởi các xe công nông chở gạch, xe khách. Những cơn mưa rào làm cho mặt đê càng biến dạng với hàng trăm hố nước, có hố sâu đến 40 cm, rộng 1-10 m2. Bùn từ đây loang ra phủ lấy mặt đê, một số chảy xuống thân làm cho nhiều đoạn bị ủng nước. Ông Đỗ Anh Sử, phó điếm số 16 bức xúc: "Xã đã kêu lên huyện nhiều lắm rồi, nhưng chẳng ai sửa chữa cả. Chúng tôi biết nước đọng ngấm vào đê lâu ngày rất nguy hiểm, nhưng tình trạng này đã kéo dài hơn một năm nay mà chưa thể giải quyết được". Ông Nguyễn Duy Chinh, Phó ban thường trực, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Ba Vì cho biết, hữu Hồng là tuyến đê trung ương quản lý nên huyện chỉ biết đề xuất lên trên vì không có tiền sửa chữa. Mặc dù đã đề nghị nhiều lần, nhưng trên cũng nói là chưa có kinh phí. Theo ông Chinh, để khắc phục các ổ trâu này cần đến 11.000 m3 đất, tương đương số tiền 350 triệu đồng. Trong khi đó, toàn bộ kinh phí cho công tác phòng chống lụt bão của huyện Ba Vì trong một năm chỉ là 300 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để duy trì bộ máy và tiến hành các cuộc họp. (Theo Tiền Phong) |