Luật sư Đặng Xuân Cường (Công ty Luật TAT Law Firm) cho hay hành vi đe dọa đánh, giết người khác có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy mức độ, hậu quả.
Điều 133 Bộ luật Hình sự quy định phạt cải tạo hoặc phạt tù với người có hành vi đe dọa giết người và có căn cứ làm cho "người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện".
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, cơ quan điều tra phải chứng minh người đe dọa có lời lói, cử chỉ, nhắn tin nội dung... đi kèm hành động thể hiện ý định thực hiện (như mài dao, mua axit, cầm súng lên đạn...).
Những hành vi này phải khiến nạn nhân thấy có nguy cơ bị đe dọa về tính mạng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ có "án mạng". Các yếu tố khác cũng được xem xét để xử lý hình sự như năng lực của người thực hiện hành vi đe dọa; có tiền án, tiền sự hay không?
Trường hợp của anh Hoàng, do hàng xóm mới nói với người khác nhưng không nói trực tiếp, chưa có hành động nào khác nên chưa đủ cơ sở để nhận định anh ta đang thực hiện hành vi đe dọa giết người.
Tuy vậy, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người thân trong gia đình, anh Hoàng vẫn có thể làm đơn trình báo công an để "kịp thời trấn áp các hành vi trái pháp luật" của hàng xóm. Anh Hoàng cần cung cấp các tài liệu như tin nhắn, ghi âm hoặc xác nhận của nhân chứng nghe thấy việc đe dọa.
Nếu hàng xóm nhắn tin hoặc lên mạng livestream dọa giết, anh Hoàng có thể làm đơn tố giác, đề nghị cơ quan chức năng xử phạt người này về hành vi "cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống" người khác. Mức phạt 10-20 triệu đồng theo Khoản 3, Điều 102, Nghị định 15/2020.
Anh Hoàng còn có thể kiện người hàng xóm ra tòa án đòi bồi thường "thiệt hại ngoài hợp đồng" do bị tổn thương về tinh thần nếu được xác nhận bởi một cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật sư Cường, anh Hoàng không nên cầm bên mình dao, kiếm, dùi cui điện, súng bắn đạn cao su... dù chỉ để "phòng thân". Đây là công cụ hỗ trợ, chỉ được mang khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Song Minh