Sau 195 phút làm bài thi đánh giá năng lực, nhiều thí sinh tại điểm thi Đại học Quốc gia Hà Nội ra về với tâm trạng khá tốt. Nhận xét đề thi "dễ chịu" hơn so với đề tuyển sinh đại học các năm trước, Nguyễn Minh Anh (Tây Sơn, Hà Nội) cho biết đã được 81 trên tổng số 140 điểm. "Đề thi yêu cầu thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, toàn diện ở cả lớp 10, 11 và 12. Em chọn phần khoa học tự nhiên với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học", Minh Anh cho hay.
Nam sinh này chia sẻ, ngoài những câu dễ dàng lấy điểm, có nhiều câu khó yêu cầu thí sinh vận dụng tổng hợp kiến thức mới làm được. Như trong Vật lý, câu hỏi yêu cầu tính độ tự cảm, cảm kháng của bếp điện khiến Minh Anh không làm được. Một số câu hỏi về Hoá, Sinh cũng làm em mất điểm. "Các câu về khoa học xã hội đều ở mức cơ bản. Một đề thi tích hợp được nhiều kiến thức như thế em rất thích. Sau khi thi lại có điểm ngay, giúp em biết chính xác khả năng của mình", Minh Anh nói và cho biết sẽ tiếp tục cố gắng ở kỳ thi THPT quốc gia.
Từ Phú Xuyên (Hà Nội) xuống dự thi, thí sinh Vũ Thị Anh cho biết kiến thức đề thi yêu cầu trải rộng toàn bộ chương trình học phổ thông, nhiều nhất là lớp 12. Khác với hình dung của em, những câu hỏi môn Văn không tập trung vào tác phẩm lớn như đề truyền thống mà đi vào nội dung đơn giản, gần gũi, như cho một câu văn rồi yêu cầu xác định ý nghĩa và tìm lỗi sai về cú pháp, hay đề có những câu địa lý hỏi về kênh rạch.
"Câu hỏi yêu cầu thí sinh phải nắm kiến thức rộng, hiểu biết toàn diện. Em học khối D nên những câu về khoa học tự nhiên làm không tốt, vì vậy chỉ được 60 điểm. Em muốn xét tuyển vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nên sẽ đăng ký dự thi đánh giá năng lực lần hai vào tháng 8. Tới đây, kỳ thi THPT quốc gia em cũng phải cố gắng làm bài thật tốt", nữ sinh cho biết.
Được bố đón ngay khi bước ra khỏi phòng thi, Phạm Trâm Anh cười rạng rỡ khoe đạt 85 điểm. Nữ sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội) vượt qua phần thi thuận lợi, tuy nhiên "phần bắt buộc môn Toán khá khó, để làm được 50 câu trong vòng 80 phút là hơi quá sức". Trâm Anh muốn vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nên chọn kiến thức xã hội Văn - Sử - Địa trong phần thi tự chọn. "Nếu vượt qua kỳ thi này, áp lực vào đại học của em đã giảm đi một nửa", nữ sinh cười nói.
Bước khỏi phòng thi với vẻ mặt buồn, em Nguyễn Thị Anh (Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết chỉ được 60 điểm trong buổi thi đánh giá năng lực sáng nay. Thí sinh này ở phòng số 20, gặp trục trặc với máy tính trong quá trình làm bài. Khi gần hết thời gian thi kiến thức bắt buộc môn Toán, máy tính của Anh không kết nối được nên phải chuyển sang máy khác. Trục trặc này khiến em lo lắng nên bỏ luôn các câu còn lại của môn Toán để chuyển sang môn khác.
Chia sẻ về lần đầu tiên thi đánh giá năng lực, thí sinh này cho biết rất thích hình thức thi tích hợp, "nhưng nhiều câu hỏi của môn Văn yêu cầu tìm lỗi sai cú pháp khiến cho đề nhàm". Với 60 điểm, Nguyễn Thị Anh không đủ điều kiện vượt qua kỳ thi nên sẽ trở về tập trung ôn tập cho kỳ thi quốc gia.
Chiều nay và 3 ngày tiếp theo, những thí sinh còn lại tiếp tục làm bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh chỉ thi một ca, làm một bài thi duy nhất và biết điểm ngay sau khi hoàn thành bài.
Lịch thi như sau:
Đợt thi |
Ngày thi |
Buổi thi |
Môn thi |
||||
Đợt 1 | 30/5 | Từ 7h | Bài thi ĐGNL | Ngoại ngữ | |||
Từ 13h | Bài thi ĐGNL | ||||||
31/5 | Từ 7h | Bài thi ĐGNL | |||||
Từ 13h | Bài thi ĐGNL | ||||||
1/6 | Từ 7h | Bài thi ĐGNL | |||||
Từ 13h | Bài thi ĐGNL | ||||||
2/6 | Từ 7h | Bài thi ĐGNL | |||||
Từ 13h | Bài thi ĐGNL | ||||||
3/6 |
Dự phòng |
Hoàng Thuỳ - Hoàng Phương