Tôi đang ở đây và thấy thật tuyệt khi chứng kiến cảnh này.
Trong 12 tháng qua, Việt Nam đã thực hiện xuất sắc chuyển đổi sang quản lý bền vững Covid-19, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội với các biện pháp y tế công cộng cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và đảm bảo các dịch vụ y tế không bị gián đoạn. Việt Nam có thể đạt được quá trình chuyển đổi này phần lớn là nhờ độ bao phủ cao vaccine Covid-19 liều cơ bản trên cả nước.
Nhưng thật không may, đại dịch vẫn chưa hoàn toàn kết thúc. Nhiều người vẫn đang mắc bệnh, nhập viện và tử vong trên khắp thế giới. Những người bị nhiễm virus, đôi khi không biết mình nhiễm, vẫn đang lây cho người khác, trong đó có những người dễ bị tổn thương, nhất là người mắc bệnh nặng, cao tuổi và có bệnh nền. Nguy cơ cộng đồng phải đối mặt là sự xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm, kéo theo các trường hợp nhiễm mới gia tăng, gây thêm áp lực lên hệ thống y tế mà chúng ta biết là có thể bị quá tải.
Tin tốt là, chúng ta chưa bao giờ ở vào bối cảnh tốt hơn để chấm dứt đại dịch. Có một việc mà ai cũng có thể làm để giúp đóng góp vào mục tiêu này: đảm bảo rằng mọi người ở Việt Nam, những người đủ điều kiện được tiêm chủng, đều được tiêm vaccine Covid liều cơ bản và các mũi nhắc lại.
Sau gần hai năm, hàng tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người lớn và trẻ em trên toàn thế giới. Vaccine vẫn là một trong những công cụ quan trọng nhất mà chúng ta có, kết hợp với các biện pháp bảo vệ cơ bản khác như rửa tay và đeo khẩu trang, để bảo vệ mọi người khỏi bệnh nặng và tử vong do Covid. Việt Nam đã xuất sắc thực hiện triển khai trên diện rộng tiêm liều cơ bản vào năm ngoái, cả về tốc độ và quy mô, trong đó bao gồm những nỗ lực nhằm đảm bảo vaccine tiếp cận được mọi nơi trên đất nước. Đây là một trong những câu chuyện thành công của Việt Nam, và rộng hơn là của Khu vực Tây Thái Bình Dương, trong ứng phó với Covid-19. Với tỷ lệ bao phủ gần như 100% liều cơ bản, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới.
Nhưng phần lớn mọi người đã hoàn thành tiêm liều cơ bản từ cách đây hơn 4-6 tháng, nghĩa là khả năng miễn dịch của họ với Covid sẽ suy yếu và khả năng bảo vệ họ khỏi bị mắc bệnh nặng sẽ ít đi.
Trong vài tuần và vài tháng tới, tôi cho rằng Việt Nam cần làm mọi điều có thể để đảm bảo tất cả những người đủ điều kiện và từ 12 tuổi trở lên đều được tiêm nhắc lại. Đây là điều rất quan trọng vì không ai biết khi nào có thể xảy ra đợt bùng phát dịch mới, dù ngày càng có nhiều tín hiệu (ví dụ, từ các quốc gia khác trong khu vực) rằng điều này có thể xảy ra rất nhanh. Cũng không ai biết khi nào một biến thể mới nguy hiểm của virus có thể xuất hiện: vào thời điểm này năm ngoái, không ai nghe nói về Omicron, nhưng bây giờ, mọi người đều đã biết, Omicron đã làm gia tăng đột biến các trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới.
Một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm để ngăn chặn cả đợt bùng phát mới và các biến thể mới là đảm bảo mọi người đều được tiêm phòng và tiêm nhắc.
Vẫn còn nhiều điều thế giới chưa biết về tác động lâu dài sau khi mắc Covid-19 và tiêm vaccine vẫn là một trong những điều tốt nhất giúp giảm nguy cơ nhiễm virus, bảo vệ bản thân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong; cũng giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các tác động lâu dài. Khả năng phòng thủ và bảo vệ này sẽ tăng lên nếu bạn tiếp tục duy trì thực hành một số biện pháp bảo vệ cơ bản, như đeo khẩu trang trong không gian kín và đông người; rửa tay thường xuyên; và tránh tiếp xúc với người khác nếu bạn cảm thấy không khỏe.
Vì vậy, thông điệp của WHO thực sự rất đơn giản: hãy đảm bảo rằng bạn, người thân và bạn bè đã được tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc.
Các tổ chức y tế trên khắp thế giới đang làm mọi điều có thể để chấm dứt đại dịch, nhưng nhiệm vụ đó sẽ không thể hoàn thành nếu thiếu sự hợp tác và ý thức về tầm quan trọng của tiêm phòng ở mỗi người dân.
Angela Pratt