Vì vậy khi chuẩn bị địa điểm bán hàng cần chú ý tới những điều sau đây:
Vị trí và môi trường kinh doanh
- Phải chọn nơi sầm uất: Các nhà kinh doanh đều coi nơi buôn bán sầm uất là “mảnh đất vàng” và không tiếc tiền để mua được một ô vuông ở nơi đó. Bởi vì ở đó khách hàng đông đúc hơn, sức mua của thị trường lớn, giao thông thuận lợi, gần bến xe, bến cảng, sân ga, rạp hát...
- Trước cửa hàng cần có khoảng đất rộng rãi, có bãi đậu xe càng rộng càng tốt, và nên giữ xe miễn phí cho khách, bởi vì ngay khi mới bước tới cửa hàng khách đã cảm thấy được một món lợi.
Tạo sự hấp dẫn của cửa hàng
Bộ mặt của cửa hàng cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tác động đến tâm lý khách hàng. Cùng loại hàng hóa, đặt ở cửa hàng được trang hoàng đẹp đẽ và có tủ kiếng lộng lẫy, khách có cảm giác như hàng ở đó tốt hơn. Nguyên tắc chung để thiết kế cửa hàng là “dễ dàng, vững chắc, kinh tế và đẹp đẽ”. Ngoài ra còn phải xem xét địa hình kiến trúc xung quanh, làm cho thiết kế cửa hàng hòa nhập vào cảnh sắc chung về ngoại hình, kích thước, đường nét và màu sắc, đồng thời tạo ra phong thái riêng của mình.
Ngoài cửa hàng, có thể tạo ra những hình tượng biểu trưng để khách hàng chưa bước vào cửa hàng đã có thể hình dung cửa hàng kinh doanh những mặt hàng gì. Mỗi cửa hàng cần có bảng hiệu, nó là biểu tượng để khách dễ dàng phân biệt tính chất và đặc điểm kinh doanh của cửa hàng, đảm bảo uy tín của cửa hàng và thu hút khách hàng. Chữ viết trên bảng hiệu phải đẹp, dễ đọc, tên cửa hàng phải dễ nhớ, gây được sự liên tưởng tích cực.
Tạo sự hấp dẫn của hàng hóa
Nếu chúng ta bước vào một cửa hàng như một khách hàng, hàng hóa làm ta say mê hay không, điều này phụ thuộc vào cách sắp xếp và chào hàng nữa. Cách sắp xếp hàng hóa phải có sức hấp dẫn khách, phải thuận lợi cho khách. Có thể dùng hình mẫu ánh sáng và màu sắc tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy của cửa hàng.
Việc trưng bày hàng hóa phải đạt được các mục đích sau đây:
- Biểu thị sự văn minh của không khí bán hàng.
- Cung cấp dễ dàng các thông tin cho khách hàng.
- Hướng dẫn luồng khách hàng.
- Hướng dẫn nhu cầu.
Khi sắp xếp, bố trí gian hàng cần liên tưởng đến mỗi hành vi, cử chỉ của khách hàng trong cửa hàng. Mối liên hệ đó như sau:
- Khách đi trong cửa hàng - Sự sắp xếp hàng hóa phải thông thoáng cho sự đi lại, giúp tránh bụi bặm, khe hẹp.
- Khách hành xem, nhìn - Sắp xếp hàng hóa sao cho khách có thể nhìn một cách tổng thể toàn bộ gian hàng một cách nhanh nhất. Cần phải viết giá hàng đúng, chính xác, rõ ràng.
- Khách hàng muốn sờ mó - Hàng hóa phải tiện cho khách lấy xem, bày hàng quá cao không có lợi, vì khách sợ khi với sẽ làm rơi. Những sản phẩm có vỏ đựng trong hộp có trang trí hình vẽ đẹp cũng cần bày mẫu ra ngoài.
- Khách hàng muốn hỏi về giá cả, tính chất hàng hóa - Người bán hàng phải nhanh chóng, kịp thời trả lời cho khách, không nên để hàng hóa quá xa người bán làm cho khách ngại không dám hỏi.
Khi sắp xếp, bài trí hàng hóa, có thể áp dụng 3 phương pháp: nghệ thuật, liên kết và tương phản.
- Phương pháp nghệ thuật: Căn cứ đặc tính hàng hóa như đẹp về dáng, đẹp về màu sắc hoặc đẹp về cảm tính để dùng những thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Có thể trưng bày theo kiểu đường thẳng, đường cong, đường xiên, hình tháp, hình chéo, đối xứng, cân bằng... Căn cứ vào hàng hóa kinh doanh mà ta chọn thủ pháp nào cho hợp lý. Như dùng thủ pháp đối xứng sẽ tạo ra cảm giác vững vàng trang trọng, dùng cho các loại hàng cao cấp, nhưng có những mặt hàng cần gợi cảm giác nhẹ nhàng, dịu mát, mềm mại thì nên phá bỏ một ít đối xứng ở hai cánh. Có một số mặt hàng, nên tạo cho khách cảm giác đẹp và cảm giác chất liệu như cảm giác lung linh trong suốt của đồ pha lê, cảm giác bóng láng của đồ dùng bằng thép, cảm giác bền chắc của dụng cụ gia đình. Có những hàng hóa cần phải thể hiện toàn cảnh để khách nhìn rõ đỡ phải hỏi, như một chiếc áo sơ mi nữ cần thể hiện rõ là cổ tròn hay cổ vuông, trên ngực thêu hoa hay in hoa, áo dài tay hay ngắn tay, có túi hay không túi...
- Phương pháp liên kết: Sắp xếp hàng hóa có cùng một hình thể ở một chỗ có thể tạo ra cảm giác đẹp. Có loại hàng hóa khác hình thể nhưng liên kết với nhau như kem, bàn chải và cốc đánh răng. Có thể dùng những cách dưới đây để bảo đảm tính liên kết của hàng hóa: phân loại hàng hóa trước rồi trưng bày theo mẫu mã, quy cách, chất lượng; phân loại đối tượng sử dụng rồi mới trưng bày theo mẫu mã, chất lượng.
- Phương pháp tương phản: Nếu muốn nhấn mạnh sự mềm mại của mặt hàng, có thể xếp chúng bên cạnh hàng cứng rắn, muốn nhấn mạnh màu trắng tinh của tấm vải, có thể đặt nó bên cạnh tấm vải đen...
TS. Thái Trí Dũng (Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM)