Tại điểm thi chuyên trường THPT Trưng Vương (quận 1), nhiều thí sinh thi chuyên Văn cho rằng đề không mới nhưng khá hay. Đề Văn gồm hai câu, nghị luận xã hội 4 điểm và nghị luận văn học 6 điểm.
"Câu nghị luận xã hội nhưng đậm chất văn học bởi đưa ra cuộc đối thoại giữa chàng trai trẻ và triết gia về lời khen trong cuộc sống. Trước khi nêu quan điểm, em phải phân tích cách hiểu về câu chuyện này dưới góc nhìn văn học", thí sinh Đặng Kim Ngân cho biết.
Cũng theo nữ sinh, câu 2 khá thú vị bởi đưa ra ẩn dụ trái tim (hạt) và thơ ca (lá), khiến thí sinh dễ dàng cảm nhận và thể hiện quan điểm, cảm xúc. Đây là câu hỏi không đơn giản vì được định hướng bởi cụm từ "đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật" trong phần yêu cầu.
Kiều Ngọc Bích cũng cho rằng câu 2 hay và sâu sắc. Thí sinh phải có vốn hiểu biết văn học phong phú để chọn lựa dẫn chứng, đồng thời phải biết tổng hợp để đưa ra quan điểm thống nhất. "Nhưng đây là câu hỏi nhiều cảm xúc với học sinh thi chuyên", Bích nói.
Cô Đỗ Khánh Phượng (giáo viên Ngữ văn trường THPT Hermann Gmeiner) nhận xét cấu trúc đề thi quen thuộc với một câu nghị luận xã hội, một nghị luận văn học.
Phần luận xã hội bắt đầu từ một câu chuyện khá thú vị của người Nhật nêu quan điểm về lời khen ngợi, mà cụ thể hơn là những hạn chế do lời khen đem lại. Đó là, khen khiến người ta bị lệ thuộc, được khen có nghĩa là không bằng người ta, được khen ngợi tất yếu lựa chọn cách sống nương theo người khác và kìm hãm tự do của chính mình.
Vấn đề nêu ra đối lập, yêu cầu thí sinh phải nêu rõ quan điểm của mình, đồng ý hay không. Tức đề đòi hỏi các em phải có chính kiến, dám bộc lộ suy nghĩ cá nhân dù lựa chọn phương án nào.
"Nếu học sinh lựa chọn nước đôi sẽ khó được đánh giá cao mà phải biết cách lập luận sắc bén, thuần thục trong việc lấy dẫn chứng", cô Phượng nói.
Phần nghị luận văn học đề yêu cầu cao về lý luận, khẳng định những rung động say mê, cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, thông qua hình ảnh trái tim - hạt, thơ ca - lá. Yêu cầu đề rõ ràng đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật nhưng không nhấn mạnh đến lý trí, tài năng, quá trình sáng tạo nghệ thuật... mà khẳng định yếu tố tình cảm, khởi nguồn của nghệ thuật ngôn từ.
"Phạm vi kiến thức rộng, thỏa mãn được sự sáng tạo của thí sinh, nhất là những em yêu văn, có năng khiếu về ngôn từ. Nội dung đề tương đối khó, nhưng dễ xác định trọng tâm bài làm. Nhiều thí sinh sẽ đạt điểm 6,5 đến 7,5", cô Phượng dự đoán.