Trưa 27/6/2008, John Agnesini, 26 tuổi, một nhà thiết kế tạp chí ở Manhattan, New York mua chiếc bánh sandwich từ cửa hàng Subway trên phố 35 phía Tây. Ngay từ miếng đầu đầu tiên, John thấy có gì đó không ổn.
Sau đó, cảm thấy có gì đó cứng ở đáy bánh mì, anh lật nó lại và sốc với hình ảnh trước mắt. Bên trong bánh mì là một lưỡi dao có răng cưa dài 18 cm.
Cạnh sắc của con dao thép không gỉ đang hướng lên trên và ăn sâu vào nửa chiếc bánh sandwich mà anh bắt đầu ăn.
"Nếu tôi không nhìn vào nó, hoặc cắn từ đầu kia trước, tôi có thể rạch một bên miệng", John sau này nói. Nhưng không may, John cắn trúng miếng cán dao bằng nhựa, bị nung chảy khi nướng bánh trong lò, nhưng đã phản xạ nhanh chóng, nhè nó ngay khi thấy lạ.
Trải nghiệm không gây thương tích sức khỏe, song nghĩ về nó khiến John phát ốm và đau dạ dày trong vài giờ. Bác sĩ kết luận, nhựa nung chảy từ cán dao đã ảnh hưởng xấu tới khoang miệng và khiến John ngộ độc nhẹ. Đồng nghiệp của John ngay sau đó gọi điện cho Subway để phàn nàn, nhưng không được xin lỗi, hỏi han hay hồi đáp.
Sau hơn 3 tuần chờ đợi, John mất kiên nhẫn, quyết định đệ đơn kiện hãng Subway, yêu cầu bồi thường một triệu USD.
Subway là một thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh đa quốc gia của Mỹ, chuyên về bánh mì sandwich, món tráng miệng, salad và đồ uống. Thương hiệu được thành lập từ năm 1965, từ số vốn 1.000 USD và một cửa hàng. Đến nay, theo Wall Streer Journal, giá trị của công ty đã lên hơn 10 tỷ USD, với 37.540 cửa hàng tại hơn 100 quốc gia, một nửa số cửa hàng là ở Mỹ.
Đây cũng là chuỗi nhà hàng một thương hiệu lớn nhất và là nhà điều hành nhà hàng lớn nhất thế giới. Slogan lâu đời của Subway là Eat Fresh - Ăn tươi, nhằm chỉ các nguyên liệu được sử dụng trong bánh mì của họ đều sạch sẽ, tươi ngon.
Sự cố lần này khiến Subway mất điểm trầm trọng. Nhưng đó không phải bê bối đầu tiên. Tháng 9/1999, ít nhất 32 khách hàng ở Seattle đã mắc bệnh viêm gan A sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm virus tại hai cửa hàng Subway. Loại virus lây lan qua việc ăn hoặc uống thức ăn hoặc nước bị nhiễm phân bị nhiễm bệnh, lây nhiễm vào gan gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, mệt mỏi và sốt.
Các cuộc điều tra sau đó cho thấy rằng nhân viên Subway đã không tuân thủ việc rửa tay kỹ lưỡng và sử dụng găng tay nhựa trong quá trình chuẩn bị thức ăn. Một vụ kiện tập thể đại diện cho 31 nạn nhân đã được giải quyết sau đó, với số tiền 1,6 triệu USD. Nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là một cậu bé 6 tuổi, bị suy gan cấp tính và cần được cấp cứu ghép gan. Cậu đã được trao 10 triệu USD trong một vụ dàn xếp ngoài tòa án vào năm 2001.
Lần này, Subway lại được réo tên trong vụ kiện "con dao trong bánh kẹp". Hàng loạt thực khách khác của Subway cũng phản án từng thấy những vật thể lạ trong đồ ăn của hãng. Sau quá trình hòa giải không được công bố, nguyên đơn John Agnesini chấp thuận khoản bồi thường 20.000 USD và thỏa thuận "không phàn nàn thêm bất cứ gì".
Năm 2021, chuỗi cửa hàng bánh sandwich lớn nhất thế giới lại phải đối mặt với một vụ kiện tai tiếng: liệu cá ngừ mà họ sử dụng có thực sự là cá ngừ 100% hay không.
Nguyên đơn lần này là Nilima Amin ở Hạt Alameda. Nội dung đơn kiện viết, cô là khách quen của thương hiệu này. Từ 2013-2019, cô mua và tiêu thụ hơn 100 bánh sandwich cá ngừ, được quảng cáo '100% làm từ cá ngừ cao cấp, có lợi sức khỏe". Tin tưởng, cô đặt hàng vì "mục đích giảm cân và sức khỏe".
Trong website chính thức, Subway quảng cáo và khẳng định rằng sử dụng: "Cá ngừ vằn đánh bắt tự nhiên do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm quản lý. Là món khoái khẩu của những người yêu thích Subway, cá ngừ của chúng tôi luôn có chất lượng cao, cao cấp và thật 100%".
Thậm chí, tháng 2/2021, công ty còn phát hành hàng nghìn mã khuyến mãi giảm giá 15% cho tất cả bánh mì kẹp cá ngừ với tên mã giảm giá "ITSREAL"- Cá ngừ thật.
Song nguyên đơn cáo buộc, Subway sử dụng các loài cá, thịt gà, thịt lợn và gia súc khác, hoàn toàn không sử dụng cá ngừ. Cô đệ trình phân tích của một nhà sinh học biển đối với 20 mẫu bánh mì kẹp cá ngừ ngẫu nhiên từ 20 cửa hàng của Subway, cho thấy "không có bất cứ ADN cá ngừ nào có thể phát hiện được" trong bất kỳ mẫu nhân bánh nào. Thay vào đó chứa "protein động vật bao gồm thịt gà, thịt lợn hoặc gia súc, nhưng không có ADN cá ngừ".
Cô cho rằng đã "bị lừa" mua những mặt hàng thực phẩm hoàn toàn giả mạo mà họ nghĩ là chất lượng 100%, dựa trên nhãn mác, bao bì và quảng cáo của Subway. Cô đã kiện công ty vì tội lừa đảo, cố ý xuyên tạc, làm giàu bất chính và các yêu cầu khác theo luật.
Cuộc điều tra độc lập sau đó của The New York Times cũng công bố, "không có ADN cá ngừ" trong các mẫu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Các tờ báo khác cũng vào cuộc và đưa ra hai kết quả tiêu cực. Thứ nhất, nhân bánh được cho là cá ngừ, đã được xử lý, chế biến rất nhiều nên bất cứ thứ gì tìm thấy, đều không thể nhận dạng được là gì. "Thứ hai, với các mẫu có thể định dạng được, thì đều không phải cá ngừ", một phát ngôn viên của phòng thí nghiệm nói với The Times.
Subway không chịu thua, cũng gửi các mẫu đến phòng thí nghiệm và công bố kết quả có lợi cho mình: Cá ngừ Subway thực tế đều là cá ngừ.
Họ giải thích, quy trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm mà họ thực hiện "chính xác hơn nhiều". "Đó là một trong những phòng thí nghiệm duy nhất trong nước có khả năng kiểm tra ADN của cá bị phân hủy, giúp kiểm tra cá ngừ chế biến chính xác hơn," Subway giải thích trên trang web của mình và cho hay, thí nghiệm được thực hiện trên 80 kg nhân bánh cá ngừ tại các cửa hàng của mình.
Subway đã yêu cầu Thẩm phán bác bỏ vụ kiện với lý do phù phiếm, gây sự, cố ý hạ uy tín. Họ cho rằng khách hàng không có vấn đề về nhận thức sẽ biết rằng khi chế biến, bếp của Subwas sẽ thêm mayonaise, phụ gia, và do đó có thể thay đổi thành phần ít nhiều. Khi các thành phần kết hợp nhau, có thể gây nên những sai số nhất định, khiến thí nghiệm không còn nhận dạng được AND cá ngừ nữa.
Subway đã bác bỏ báo cáo của The New York Times, cho rằng xét nghiệm do một phòng thí nghiệm giấu tên thực hiện không phải là cách đáng tin cậy để xác định xem mẫu đó có phải là cá ngừ hay không.
Trong khi đó, luật sư của nguyên đơn cho rằng các cơ sở thí nghiệm họ trưng cầu đều được cấp phép, và đều có kết luận, nhân bánh cá ngừ của Subway là "một hỗn hợp của nhiều loại hỗn hợp khác nhau không phải là cá ngừ, nhưng đã được Subway pha trộn với nhau để bắt chước vẻ ngoài và vị của cá ngừ".
Vụ việc trải qua hơn hai năm hòa giải, điều trần nhưng chưa đi đến kết quả. Đầu tháng 5 vừa qua, nguyên đơn Nilima Amin gửi đơn xin đình chỉ xét xử và bảo lưu quyền khởi kiện lại vào một thời điểm nào đó trong tương lai, do đang mang thai và tình trạng ốm nghén trầm trọng và suy nhược cơ thể, không cho phép cô theo đuổi vụ kiện nữa. Đơn dựa trên nguyện vọng của gia đình, mong muốn cô tập trung vào bản thân và đứa bé.
Song Subway đã thề sẽ mạnh mẽ bảo vệ mình trước "những phát ngôn hạ uy tín", do đó quyết định không im lặng dừng lại, Ngày 4/5, Subway phản đối đề nghị của nguyên đơn.
Họ cho rằng vụ kiện là "phù phiếm" ngay từ đầu, và Nilima chỉ muốn nhân lý do mang bầu để rút lui trong danh dự. Về mặt pháp lý, một "vụ kiện phù phiếm" là vụ kiện không có hy vọng thành công thực tế và do đó, có mục đích duy nhất là làm hại bị đơn.
"Đó là một cáo buộc nghiêm trọng ở chỗ nếu tòa án đồng ý, người nộp đơn kiện có thể phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại về tiền bạc cũng như các cáo buộc hình sự", họ lập luận. Subway do đó yêu cầu nguyên đơn hoàn trả cho họ ít nhất 618.000 USD chi phí pháp lý phát sinh từ vụ kiện. Đến nay, tòa vẫn chưa đưa ra phán quyết về vụ kiện.
Hải Thư (Theo Tasting table, NYT, WP. Reuter, NCB, SFgate)