Hàn Quốc được mệnh danh là "kinh đô phẫu thuật thẩm mỹ thế giới". Quốc gia tự hào có số lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ bình quân đầu người cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh, đánh bại Mỹ và Brazil để giành vị trí dẫn đầu.
Theo ước tính của Expert Market Research, giá trị thị trường của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2018-2022 là 1,95 tỷ USD. Khảo sát của Statista năm 2020 cho thấy 25% phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 29, 31% người từ 30 đến 39 tuổi đã phẫu thuật hoặc tiểu phẫu thẩm mỹ.
Cuộc thăm dò gần đây của Viện Pháp triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc cũng phản ánh nhiều người mong muốn du lịch nước này vì những kỹ thuật thẩm mỹ tiên tiến và bác sĩ lành nghề. Tờ Korea Times đưa tin, gần một nửa trong số 1.200 bệnh nhân quốc tế chia sẻ việc tiếp xúc với văn hóa đại chúng Hàn Quốc khiến họ muốn can thiệp dao kéo.
Bác sĩ Lee Ik-jun, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật Thẩm mỹ Hàn Quốc, cho biết: "Ảnh hưởng của K-pop và phim truyền hình (K-drama) là một trong những điểm thu hút lớn nhất. Ngoài ra, chất lượng và trình độ phẫu thuật thẩm mỹ của các bác sĩ thuộc hàng tốt nhất thế giới".
Tuy nhiên, việc ám ảnh ngoại hình đã kèm theo nhiều hệ lụy. Các cơ sở thẩm mỹ đều không nói về rủi ro sức khỏe hay biến chứng của các cuộc phẫu thuật. Nếu không may gặp phải, khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất.
Điển hình cho tình trạng này là vấn nạn "bác sĩ ma", gây nhiều đau đớn thậm chí cả mạng sống của người dân.
"Bác sĩ ma" là cụm từ chỉ người phẫu thuật thay thế bác sĩ chính, khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân (thường là trong ca phẫu thuật thẩm mỹ). Đôi khi là nha sĩ, y tá, điều dưỡng, trợ lý, thậm chí nhân viên bán thiết bị y tế - trái ngược hoàn toàn với quảng cáo của cơ sở y tế, trong đó ghi rõ bác sĩ chính sẽ phẫu thuật từ đầu đến cuối. Nguyên nhân là các bác sĩ thẩm mỹ nhận thực hiện đồng thời nhiều cuộc phẫu thuật, phải nhờ người thay thế để hoàn thành tất cả ca mổ.
Khoảng 5 bệnh nhân đã chết vì các cuộc phẫu thuật "ma" trong 8 năm qua. Một trong số đó là Kwon Dae-hee, sinh viên đại học Seoul. Người này tử vong vì xuất huyết trong một ca phẫu thuật thu gọn hàm năm 2016. Mẹ của anh, bà Lee Na-geum, đã thu thập các đoạn video trong phòng mổ và tìm được bằng chứng cho thấy người thực hiện phẫu thuật là một trợ lý điều dưỡng. Bác sĩ phẫu thuật bị kết tội ngộ sát và tuyên án ba năm tù.
Các ca phẫu thuật kiểu này đã lan tới cả các bệnh viện cột sống, Kim So-yoon, giáo sư luật và đạo đức y tế Đại học Yonsei, cho biết. Tháng 5/2021, một video tại chuyên khoa cột sống, Bệnh viện Thế kỷ 21 ở Incheon, lộ ra cho thấy trợ lý điều dưỡng đang mổ và đặt chỉ khâu cho bệnh nhân.
Choi Jeong-kyu, luật sư đại diện cho các nạn nhân y tế, đã nhận được video từ một cựu nhân viên phòng khám, sau đó chuyển nó đến đài truyền hình MBC. Đoạn phim ghi lại 19 ca phẫu thuật, cho thấy ba trợ lý điều dưỡng đang mổ cho các bệnh nhân gai đốt sống. Chiếc cưa phẫu thuật kêu vo vo khi các trợ lý đặt chúng vào xương bệnh nhân. Băng gạc đẫm máu chất thành đống một bên bàn mổ. Khoảng 5 phút cuối mỗi ca phẫu thuật, bác sĩ chính mới xuất hiện.
"Họ đối xử với bệnh nhân như những món hàng trên băng chuyền của một nhà máy", ông Choi nói.
Sau khi video được công bố, các nạn nhân đã đệ đơn kiện phòng khám. 5 bác sĩ và ba trợ lý bị bắt giam vào tháng 8/2021.
Kể từ năm 2012 đến 2017, Hàn Quốc đã khởi tố khoảng 100 trường hợp phẫu thuật giả danh bác sĩ, theo Bộ Y tế. Từ năm 2008 đến năm 2014, khoảng 100.000 người là nạn nhân của các ca phẫu thuật kiểu này, theo ước tính của Hiệp hội phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc.
Để ngăn chặn vấn nạn, các nhà lập pháp đã sửa đổi luật y tế, yêu cầu lắp camera trong tất cả phòng mổ dành cho bệnh nhân gây mê toàn thân, theo NY Times.
Tiến sĩ Choi Sang-wook, Giám đốc Bệnh viện Kookmin, cho biết camera đã cải thiện niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện. "Camera giúp chúng tôi có được sự tin tưởng của cộng đồng, đó là lợi thế lớn nhất", ông nói.
Nhờ giải pháp này, từ năm 2022 đến nay, vấn nạn "bác sĩ ma" ở Hàn Quốc đã lắng xuống, không ghi nhận các báo cáo y tế về tình trạng này.
Cuối năm 2023, Hàn Quốc nới lỏng thủ tục nhập cảnh đối với khách du lịch muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Động thái nhằm tận dụng sức nóng của nền công nghiệp âm nhạc K-pop và làm đẹp K-beauty, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu của Bộ Y tế là thu hút khoảng 700.000 khách du lịch y tế trong năm 2027. Đây cũng là động lực thúc đẩy đế chế thẩm mỹ Hàn Quốc phục hồi sau đại dịch. Giới chức hy vọng ít nhất 15% trong số 700.000 khách sẽ đến Hàn Quốc vì thủ thuật làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, đẩy 90.000 khách (năm 2019) lên 110.000 người.
Thục Linh (Theo Telegraph)