![]() |
Ông Đặng Quang Tính. Ảnh: N.T. |
- Thưa ông, tại sao lại xảy ra một loạt sự cố vỡ đê biển thời gian qua?
- Đê biển của Việt Nam được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, có nhiều đoạn đã xuống cấp. Đoạn yếu nhất hiện nay và cũng hay xảy ra sự cố nhất dài chừng 30 km, đi qua các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Thiết kế đê biển của Việt Nam chỉ chịu được gió bão mạnh cấp 9 và triều trung bình. Nếu bão vượt cấp 9, kết hợp với triều cường thì đê biển không chịu được. Điều này không phải bây giờ vỡ đê mới nói, mà chúng tôi và các tỉnh đã báo cáo với Chính phủ bằng văn bản. Trong tất cả công điện chỉ đạo đối phó với bão số 7 cũng đã nói đê biển của ta không đủ khả năng chống được bão cấp 12, vì thế buộc phải di dời dân vùng ven biển.
Ông Đặng Quang Tính cảnh báo, bão đã ra khỏi Việt Nam, tuy nhiên cần đề phòng lũ quét. Do hoàn lưu của bão rộng, ảnh trên mây vệ tinh cho thấy nó phủ đến 1/2 đất nước nên ngày 27-28/9 sẽ còn mưa. Khả năng lũ quét rất có thể xảy ra ở vùng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, các tỉnh miền núi phía Bắc.
So sánh bão năm nay và các năm trước đó, ông Tính cho biết, số lượng chỉ bằng trung bình nhiều năm, tức là 6-7 cơn. Về cường độ, bão số 7 đạt cấp 12, nhưng khác với trước là thời gian duy trì lâu (gió cấp 7-8 xuất hiện từ 12h đêm 26/9, 5h sáng 27/9 đạt cấp 12 và kéo dài tới 12 trưa cùng ngày). Đường kính tâm bão tới 90 km, nên khi đang ở rìa bão, Việt Nam bị ảnh hưởng ngay. Một điều nguy hiểm là bão đổ bộ vào đất liền đúng lúc triều cường, nước biển vì thế dâng rất cao, tràn vào nhiều khu dân cư. Trước đây, bão cấp 12 chỉ kéo dài trong 1 tiếng, xuất hiện lúc thủy triều bình thường.
- Đê Hậu Lộc cũng rất yếu, trong cơn bão số 7 đã bị vỡ?- Đoạn qua huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá không phải là đê. Nó trước đây là một cái kè bảo vệ bờ biển và bị xói lở vì doi cát ở vùng đấy rất cao. Sau khi ta bảo vệ bờ kè rồi thì muốn làm một tuyến đê khép kín. Bây giờ còn khoảng 3 km đi qua xã Ninh Phú trống, chưa có đê, nước có thể vào đó bình thường. Trước bão số 7, địa phương muốn bảo vệ nên đã đắp những bao tải cát ngăn sóng biển, nhưng với sức gió giật trên cấp 12, các bao tải cát đã bị sóng đánh tung.
- Hằng năm, hệ thống đê biển được tu bổ như thế nào?
- Cả nước có trên 2.000 km đê biển. Tuỳ theo tình trạng xuống cấp của các tuyến đê mà nhà nước cấp kinh phí. Năm nay, kinh phí tu bổ cho đê biển được vài tỷ đồng. So với nhu cầu cần nâng cấp đê, khoản tiền ấy là quá nhỏ. Tương tự duy tu đường bộ, chỗ nào mặt đường bong thì vá, việc tu bổ đê với khoản tiền vài tỷ cũng chỉ làm được việc chắp vá như vậy, không thể nào nâng cấp toàn diện.
Năm ngoái, chúng tôi cũng đã trình Chính phủ đề án nâng cấp toàn diện hệ thống đê biển. Giai đoạn 1 từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, giai đoạn 2 từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng cho mỗi giai đoạn, thời gian thực hiện 5 năm. Hiện đề án vẫn chưa được phê duyệt.
- Tại sao khi thiết kế không đặt vấn đề đê biển phải chịu được gió bão mạnh cấp 12?
- Đất nước ta vào những năm 60 của thế kỷ trước làm sao đủ tiền để kiên cố bêtông cốt thép hệ thống đê biển. Điều kiện kinh tế đất nước như hiện nay cũng không thể ngay một lúc đầu tư nâng cấp 2.000 km đê biển trên toàn quốc. Tính bình quân, để làm 1 km đê mới hoàn toàn, có khả năng chống lại bão cấp 12, kết hợp với triều cường cần tới 100 tỷ đồng cho một cây số.
Cũng cần nói thêm, tần suất xuất hiện bão cấp 12 rất ít, khoảng 10 năm một lần, chứ không phải năm nào cũng gặp.
- Theo ông, với những đoạn đê xung yếu, cần làm mới thì có nên đặt vấn đề thiết kế nó chịu được gió bão cấp 12?
- Về giải pháp kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế đê chống được gió bão mạnh cấp 12, vấn đề chỉ là kinh phí và nền kinh tế đất nước, có nên dồn tất cả vào đầu tư nâng cấp đê hay không, trong khi ta bảo vệ được cái gì? Chúng ta bảo vệ dân thì đương nhiên và trong cơn bão số 7, dân đã được bảo vệ an toàn. Còn với đầm tôm, khu làm muối, tất nhiên cũng là bảo vệ cho dân, nhưng để làm được việc đó thì khoản đầu tư sẽ rất lớn. Chúng ta phải tính đến bài toán hiệu quả, không phải cứ sau một trận bão thấy vỡ đê là đổ xô vào đầu tư nâng cấp, trong khi đất nước còn bao nhiêu vấn đề.
- Tuyến đê Cát Hải (Hải Phòng) vừa hoàn thành, nhưng trong cơn bão số 2 và số 6, bão chỉ mạnh cấp 9, đã bị đánh tan tác. Ông nghĩ sao trước ý kiến là có sự gian dối trong thi công tuyến đê này?
- Trong cơn bão số 2, tại khu nghỉ mát số 1 của bãi biển Đồ Sơn, có những bức tường cao 1,5 m, dài 8-10 m đã bị sóng đánh xê dịch hàng chục mét, bây giờ vẫn nằm đó. Những bức tường này được xây dựng hàng chục năm nay, từng chống được cơn bão mạnh cấp 12. Bão số 2 vừa qua đúng là cấp 9, nhưng trong bão có dông lốc cục bộ, cột sóng dâng cao. Ngay Đồ Sơn, sóng lên tới tầng ba, làm một bể nước xây trên đó bị nhiễm mặn, không ăn được. Cơn bão số 6 cũng tương tự, đều đi kèm với triều cường và dông lốc cục bộ. Mà dông lốc thì không thể dự báo được.
Khu vực đê biển Cát Hải được thiết kế rất kiên cố bằng bêtông cốt thép, chịu được gió cấp 9, thủy triều trung bình. Chúng tôi dự định thí điểm kiên cố tuyến đê này và thực sự nó đã đạt được yêu cầu đó. Thoạt nhìn những mảng bêtông văng ra tưởng là kém chất lượng, nhưng thực tế đê rất vững chắc. Nếu bêtông kém khi bị di chuyển sẽ vỡ vụn. Vừa rồi, nếu không có sự cố ở Đồ Sơn thì sẽ không giải thích được hiện tượng vỡ đê ở Cát Hải. Vì Cát Hải đối diện với Đồ Sơn.
- Nhiều người cho rằng một số tuyến đê xuống cấp là việc thi công sửa chữa có gian lận, tương tự như rút ruột đê. Ông nghĩ sao về điều này?
- Thật ra mà nói, đê của chúng ta đắp bằng đất, cho nên ăn gian khối lượng rất khó. Anh chỉ có thể đắp đủ chiều rộng, chiều dài của đê, và không thể rút ruột bên trong. Trong quá trình đắp (kết hợp thủ công và cơ giới), xe bánh xích sẽ đầm trên bề mặt đê. Có thể xe đầm không kỹ, nhưng nói là ăn bớt đất thì không phải.
Còn ăn bớt kè lát mái cũng rất khó. Đê sông là thả kè đá xuống đáy, do đó có thể ăn bớt. Còn bờ biển thì làm sao thả cái gì xuống đáy được. Khi nước biển rút sẽ trơ ra chân kè, lộ ra những chỗ thi công và vì thế không thể rút ruột.
Có thể có hiện tượng ăn bớt chỗ này, chỗ kia trong một số công trình đê kè, nhưng nhìn chung khó rút vật liệu trong hệ thống đê biển.
- Khi xảy ra thiên tai, có tình trạng địa phương khai khống con số thiệt hại để xin cứu trợ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Đánh giá thiệt hại nhà cấp 3-4 bao nhiêu tiền đều có mẫu thống kê. Nhưng đúng là có tình trạng địa phương khai tăng khối lượng thiệt hại để hy vọng được nhà nước hỗ trợ. Song có bao giờ nhà nước hỗ trợ theo đúng đề nghị của địa phương đâu. Ví dụ, địa phương nói thiệt hại hàng trăm tỷ, nhưng sau khi đi kiểm tra, nhà nước chỉ hỗ trợ vài tỷ đã thấy họ khắc phục được rồi. Chuyện khai khống không lo, địa phương làm thì cứ làm, còn hỗ trợ bao nhiêu là việc của Chính phủ.
- Xin ông nói rõ quy trình xem xét hỗ trợ thiệt hại do thiên tai?
- Bắt đầu là địa phương đề nghị Chính phủ, Chính phủ giao cho các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão đi kiểm tra thực tế. Mỗi bộ có một văn bản báo cáo với Chính phủ là hỗ trợ cho tỉnh bao nhiêu, sau đó Chính phủ mới xem xét.
- Thiệt hại về đê kè, đường sá còn nhìn thấy được, vậy những diện tích ao nuôi trồng thuỷ sản, rất khó xác định. Việc hỗ trợ sẽ như thế nào?
- Đúng là như thế, song nhà nước chỉ hỗ trợ con giống để người dân phục hồi sản xuất. Nếu đói thì cứu đói. Nhà nước hỗ trợ không mang nghĩa đền bù thiệt hại.
Như Trang thực hiện