Trong 10 tỉnh có dịch, Thanh Hoá là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 190.000 lợn bệnh phải tiêu huỷ, chiếm 14% tổng đàn lợn của tỉnh. “Đây là vụ dịch gia súc lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh. Tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp, hôm sau số lợn mắc bệnh đã gấp 10 lần hôm trước. Chưa biết đến bao giờ Thanh Hoá mới khôi phục được đàn lợn, khi mà 40% số tiêu huỷ là lợn sinh sản”, Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh trăn trở.
Ông Ninh cho rằng, hiếm có khi nào người dân Thanh Hoá lại khốn khó như 6 tháng vừa qua, khi lũ bão của 2007 chưa khắc phục xong thì đầu năm nay lại gánh đợt rét đậm, rét hại kéo dài kỷ lục từ trước đến nay và giờ lại thêm dịch tai xanh. "Tính ra tiền nhà nước bỏ ra để hỗ trợ tiêu hủy, mua thuốc khử trùng và thiệt hại của dân lên đến 400 tỷ đồng. Thanh Hoá đang rất khó khăn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ 250 tỷ đồng", ông Ninh nói.
Tuy số lợn bệnh phải tiêu huỷ ít hơn Thanh Hoá (khoảng 30.000 con), nhưng theo Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ thì tại 5 huyện có dịch đang rất khó khăn, bởi khoản chi phòng chống dịch (67 tỷ đồng) đã vượt quá nguồn ngân sách dự phòng, trong khi mùa mưa bão đang cận kề. “Đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm, cũng như có chính sách khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho người dân vay vốn để khôi phục đàn lợn”, ông Kỳ nói.
Với số lợn bị tiêu huỷ ít, chỉ 8.000 con, nên Nghệ An không quá khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, Phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Đình Chi lại có nỗi lo khác: “Hiện lợn giống và lợn thịt đều đến thời điểm xuất chuồng. Nhưng do lệnh cấm xuất lợn ra khỏi địa bàn tỉnh nên người dân không thể bán và nếu nuôi tiếp thì không đủ khả năng”. Ông Chi thú thật là cả lãnh đạo và người dân chỉ mong ước nhanh chóng công bố hết dịch để có thể tiêu thụ lợn.
Từ điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vội lên tiếng: “Liệu Nghệ An có vận động nhân dân cố gắng nuôi giữ đàn lợn con và lợn thịt thêm 15 ngày nữa”. Phó chủ tịch Chi trả lời ngay: “Chúng tôi đã động viên rồi, nhưng nếu kéo dài như thế này thì rất gay cấn”.
Trong hầu hết phát biểu, lãnh đạo các tỉnh đều đề nghị Bộ Nông nghiệp xem xét lại cơ chế lây lan dịch, từ đó có chính sách phòng chống dịch hiệu quả, giảm tối đa thiệt hại cho dân. Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Năm 2007, tỉnh đã có dịch và lúc đó chúng tôi chống không quyết liệt, nhưng thiệt hại rất ít. Tại sao năm nay, toàn tỉnh dốc sức chỉ đạo phòng chống, nhưng dịch vẫn lan rộng?”.
Lãnh đạo cả 10 tỉnh thành đều thống thiết đề nghị Bộ khẩn cấp nghiên cứu sản xuất hoặc nhập khẩu văcxin phòng dịch. “Chúng ta phải xác định đã chăn nuôi là có dịch, nhưng vấn đề là phải chủ động kiểm soát. Chứ như vừa qua vào trận chống dịch, ta chẳng có gì ngoài con người và biện pháp duy nhất tiêu huỷ lợn bệnh. Tôi nói thật tiêu huỷ là biện pháp bất đắc dĩ, rất đau xót”, Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá Mai Văn Ninh nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Sinh, đề nghị: “Bộ cần chỉ đạo nhất quán khi đã có dịch thì có nên tiêu huỷ hay không?”. Ông Sinh cho biết Thái Bình kiên quyết tiêu huỷ, nhưng lại có đề xuất bệnh tai xanh không lây cho người, vì thế nên chế biến lợn bệnh làm thức ăn nhằm giảm thiệt hại cho dân.
Phó chủ tịch tỉnh Thái Bình: "Vẫn có ý kiến cho rằng nên chế biến lợn bệnh để bán". |
Bộ trưởng Phát tiếp tục, nhưng giọng bắt đầu gay gắt: “Nếu chúng ta không làm quyết liệt như vừa qua thì đã có hàng triệu lợn bệnh phải tiêu huỷ. Để bảo vệ đại cục thì chúng ta phải chấp nhận hy sinh. Nếu địa phương nào chùn tay thì thiệt hại sẽ khôn lường”.
Về việc sử dụng văcxin, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Bùi Bá Bổng cho biết, virus tai xanh của Việt Nam tương đồng với của Trung Quốc nên sắp tới sẽ nhập 1 triệu liều văcxin của nước này. Sở dĩ thời gian qua chưa khuyến cáo dùng văcxin là virus tai xanh của Việt Nam khác với virus ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi đó loại văcxin đang được phép sử dụng tại Việt Nam là để chống lại virus ở 2 khu vực trên. “Virus không tương đồng nên hiệu quả bảo hộ của văcxin sẽ thấp”, ông Bổng nói.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngày 2/5, Bộ đã trình Thủ tướng cơ chế hỗ trợ các tỉnh có dịch, trong đó có tai xanh. Theo đó, các tỉnh miền núi và Tây Nguyên sẽ được hỗ trợ 80% kinh phí phòng chống dịch. Mức 70% dành cho các tỉnh miền Trung và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mức 60% dành cho các tỉnh còn lại. Riêng Hà Nội và TP HCM phải tự chi trả toàn bộ. Bộ Tài chính cũng kiến nghị khoanh, giãn nợ 2 năm đối với các hộ chăn nuôi. Hộ nào muốn vay để khôi phục sản xuất thì được tiếp tục vay.
Chủ trì hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chia sẻ khó khăn với địa phương: “Phải tiêu huỷ số lượng lớn đúng là của đau con xót, nông dân sẽ thiệt hại rất lớn. Ba đợt lũ bão, rét hại và dịch bệnh liên tiếp đã làm cho nguồn dự phòng trung ương gặp khó khăn, việc các tỉnh hết dự phòng cũng là dễ hiểu”. Tuy nhiên, Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải quyết liệt dập dịch, không chủ quan dù hiện nay dịch đã chững lại. Các tỉnh không có dịch cũng không được lơ là, phải chuẩn bị, tránh bị động khi có dịch.
Tuần tới, Chính phủ sẽ ban hành chính sách hỗ trợ phòng chống dịch, cũng như khoanh, giãn nợ cho người dân. “Về lâu dài, chúng ta cần phát triển chăn nuôi trang trại, hạn chế nuôi nhỏ lẻ và phải chung sống với dịch bệnh, như với thiên tai”, Phó thủ tướng khép lại hội nghị giao ban qua truyền hình.
Hồng Khánh