Ông Trần Văn Tuấn. Ảnh: Hoàng Hà |
- Trong bài viết mới đây, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng đề án mở rộng thủ đô Hà Nội mới chỉ ở ý tưởng mang cảm tính, do đó việc trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này là gấp gáp. Là cơ quan trình đề án, ông giải thích thế nào?
- Chủ trương mở rộng Hà Nội đã có từ năm 2000, Bộ Chính trị khóa 9 đã giao cho Chính phủ thực hiện. Chính phủ đã chuẩn bị nhưng chưa có điều kiện trình từ trước. Đến nhiệm kỳ này, Bộ Xây dựng đã trình nhiều phương án, sau đó chọn dần còn phương án hiện nay. Như vậy, nếu nói rằng đề án này bất ngờ hay gấp quá thì không hẳn. Khi tiến hành sáp nhập chưa đến giai đoạn trình Quốc hội, chưa thông tin rộng, nên có thể là đồng bào nghĩ là gấp.
- Theo ông Võ Văn Kiệt, thủ đô là của cả nước, do đó cần công khai trước công luận để thu thập ý kiến rộng rãi. Tại sao chúng ta không lấy ý kiến rộng rãi nhân dân về đề án mở rộng thủ đô?
- Tôi đã có lần báo cáo vấn đề này ở Mặt trận tổ quốc, thể chế chính trị của chúng ta theo dân chủ đại diện. Theo luật phải lấy ý kiến HĐND của 4 tỉnh và các địa phương liên quan đến đề án. Còn việc lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ đã giao các cơ quan chức năng họp với Mặt trận tổ quốc. Từ khi lấy ý kiến HĐND các tỉnh, thành phố thì đồng thời thông tin rộng rãi, ý kiến nhân dân đóng góp các địa phương cũng tổng hợp lại.
- Mở rộng Hà Nội là vẫn đề hệ trọng, ông nghĩ gì trước ý kiến tại kỳ họp này Quốc hội thảo luận, góp ý để Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa lại tại kỳ họp sau Quốc hội mới thông qua Nghị quyết?
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định sắp xếp vấn đề đó. Nếu được Quốc hội thông qua việc hợp nhất sẽ tiến hành ngay trong năm 2008. Thực tế, nếu Quốc hội đã quyết định mở rộng Hà Nội mà tiến hành chậm thì cán bộ có tâm lý chờ đợi; việc quản lý đất đai khó khăn; rồi còn việc đăng ký kế hoạch phát triển của thủ đô mới.
- Một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm là sau khi hợp nhất bộ máy hành chính thủ đô sẽ cồng kềnh, nhiều cấp phó, gây lãng phí. Lo ngại này sẽ được xem xét thế nào?
- Theo luật, các đại biểu HĐND của Hà Nội và Hà Tây đương nhiên là đại biểu HĐND của thủ đô mới. Nhân sự chủ chốt của thành phố do các cấp có thẩm quyền xem xét trình với HĐND mới. Không nhất thiết các vị trí Hà Nội đều làm trưởng.
Chuyện bộ máy phình to chắc cũng không tránh được. Với địa bàn rộng như vậy thì số lượng cán bộ đông lên cũng là bình thường. Trước mắt, cán bộ sẽ phân theo vùng để điều hành rồi từng bước sắp xếp. Cũng có thể sẽ có một số cán bộ lãnh đạo địa phương hiện nay được điều chuyển, rút về các cơ quan trung ương hoặc điều chuyển sang các vị trí khác. Trong quá trình sắp xếp cũng có thể có cán bộ được bố trí đi học.
Hà Nội sẽ mở rộng gấp 3 lần hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Đặc thù, thế mạnh kinh tế - xã hội của Hà Nội và Hà Tây khá khác biệt, sau khi hợp nhất lãnh đạo thủ đô sẽ đảm trách công việc thế nào?
- Khi tham gia vào bộ máy thủ đô mới, cán bộ Hà Tây có kinh nghiệm địa bàn ở vùng nông nghiệp, vùng xa, vùng khó, cán bộ Hà Nội có kinh nghiệm ở đô thị. Khi đó số lượng cán bộ lớn sẽ bù trừ, phối hợp với nhau trong phân công quản lý. Việc phân công công việc cụ thể sẽ do Chủ tịch UBND Hà Nội quyết định. Theo tôi, phải vừa chỉ đạo theo ngành dọc, vừa chỉ đạo theo vùng, địa bàn.
- Thời gian qua, dư luận xôn xao về vụ chạy chức khi sáp nhập các sở, ngành tại Cà Mau. Trong việc sắp xếp nhân sự tại Hà Nội tới đây, vấn đề "chạy chức, chạy quyền" sẽ được ngăn chặn thế nào?
- Theo nguyên tắc, trung ương chỉ sắp xếp bộ máy thành phố, còn thành phố sắp xếp bộ máy các đơn cấp dưới. Việc "chạy chức" một vài địa phương đã xảy ra, đối với Hà Nội tôi chắc là nó sẽ hạn chế vì sự giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng.
Việt Anh ghi