Ngày 19/1, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức chung kết cuộc thi "Sáng tạo trẻ Bách khoa 2018". Vượt qua 70 ý tưởng của 32 nhóm dự thi ở ba vòng thi, năm nhóm xuất sắc đã được trưng bày sản phẩm và thuyết trình đề án tại vòng chung kết này.
Kết quả, hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng dịch pha kết hợp với mã Gray của nhóm KSV Team giành giải nhất và nhận giải thưởng 20 triệu đồng.
Đề án "Nghiên cứu in 3D chế tạo sản phẩm thay thế phục vụ y tế và giáo dục" của nhóm BKT - Team đạt giải nhì. Giải ba thuộc về nhóm Aerovietnam với đề án "Nghiên cứu tính toán thiết kế và chế tạo máy bắn bóng tennis tự động".
Hai giải khuyến khích được trao cho đề án "Thiết bị cung cấp và xác nhận thông tin tự động trong trường học" (nhóm BK5T) và "Thiết bị xử lý nước thải hữu cơ độc hại khó phân hủy dưới tác động của ánh sáng mặt trời" (nhóm PHUST).
Nhóm KSV Team gồm năm thành viên là Nguyễn Việt Kiên (học viên cao học), Trần Ngọc Sơn, Lê Danh Việt, Đặng Duy Trường (sinh viên K59) của Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Phí Đình Thành (Đại học Kinh tế quốc dân).
Ngọc Sơn cho biết nhóm bắt đầu nghiên cứu đề án về hệ thống quét 3D từ năm 2016 khi nhận thấy nhu cầu quét 3D ngày càng tăng và là xu thế mà nước ngoài đang phát triển mạnh trong khi Việt Nam chưa có hệ thống quét nào. Nhóm quyết định trở thành những người tiên phong ở Việt Nam và hy vọng tạo được một hệ thống quét 3D sử dụng trong công nghiệp, đời sống, giúp giảm chi phí cho người dùng.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã thử nghiệm nhiều phiên bản hệ thống khác nhau và hiện đã có hệ thống tương đối hoàn chỉnh, có độ chính xác tốt và có thể ứng dụng rộng rãi trong đo lường và tạo hình để in 3D. Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đầu tư phát triển để hệ thống hoạt động chính xác, thân thiện và tiện dụng hơn.
Các thành viên trải qua những giai đoạn bế tắc và không muốn tiếp tục. Anh em lại động viên nhau bởi xác định đây là đề tài hay và có thể tạo ra bước đột phá trong công nghệ. "Với việc giành giải nhất ở cuộc thi hôm nay, nhóm sẽ nỗ lực hơn, cố gắng để có thể thương mại hóa, giúp người dùng Việt Nam không phải mua hệ thống nước ngoài với giá thành đắt đỏ", Sơn nói.
PGS Lê Minh Thắng, thành viên ban giám khảo, nhận xét cả năm đề án lọt vào chung kết đều cho thấy khả năng sáng tạo, niềm đam mê khoa học và sự nhiệt huyết của sinh viên Bách Khoa.
"Các sản phẩm đều đáp ứng được các tiêu chí như tính sáng tạo, tính khoa học, tính thực tiễn hay sự hoàn thiện. Chúng tôi tự hào về những thành tựu mà các em đã đạt được", bà Thắng nói và hy vọng dù đạt giải nào chăng nữa, các em tiếp tục phát huy tinh thần nghiên cứu và tình yêu với khoa học.
"Sáng tạo trẻ Bách khoa" là cuộc thi thường niên, được tổ chức từ năm 2017, nhằm khuyến khích tính sáng tạo của sinh viên, khả năng kết nối tư duy đa lĩnh vực, rèn luyện kỹ năng tạo ra các sản phẩm thiết thực và đổi mới sáng tạo hướng tới khả năng khởi nghiệp.
Cuộc thi năm nay được phát động từ tháng 5/2018. Ban tổ chức đã nhận được gần 70 ý tưởng của 32 nhóm dự thi với sự tham gia của 250 sinh viên thuộc 10 lĩnh vực chuyên môn. Trong 8 tháng triển khai, các nhóm đã trải qua ba vòng thi, gần 10 buổi đào tạo, tập huấn với các cố vấn chuyên môn.