Trung tuần tháng 10, DDM đã triệu tập đại hội cổ đông bất thường để lấy ý kiến về việc bán 2 tàu container Đông Du và Đông Mai.
Có 2 lý do để DDM phải trình cổ đông việc bán cặp tàu này. Thứ nhất, một số khách hàng truyền thống từng thuê tàu định hạn của DDM hiện đã trả lại tàu, buộc DDM phải tự tổ chức khai thác. Mà theo ông Bùi Minh Hưng, Tổng giám đốc DDM, tài chính của DDM đang khó khăn, trong khi thị trường vận tải biển suy thoái, nên khai thác tàu đồng nghĩa với khả năng DDM tiếp tục thua lỗ.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng tài trợ cho DDM mua cặp tàu này (Indovina Bank, Ngân hàng Hàng hải) đã yêu cầu Công ty phải bán tàu để trả bớt cả nợ gốc lẫn lãi vay. Theo báo cáo của ban quản trị về phương án bán tàu, DDM còn nợ các tổ chức này 495 tỷ đồng.
Với thực tế kinh doanh tàu Đông Du, Đông Mai liên tục lỗ từ khi đưa vào khai thác năm 2008 (lỗ lũy kế 196,78 tỷ đồng, bằng 140,6% vốn điều lệ của DDM), đại hội cổ đông các năm 2009, 2010, 2011 đã từng đề cập vấn đề bán tàu, song việc này chưa đến hồi kết, chủ yếu liên quan đến giá bán.
Theo định giá mới đây từ tổ chức định giá tàu biển CW Kellock (Anh), tàu Đông Du có giá 3,15 triệu USD, tàu Đông Mai có giá 3,2 triệu USD. Nếu bán tàu theo mức giá này thì DDM thu về khoảng 134 tỷ đồng cho cả 2 tàu. Tính ra, sau khi trừ giá trị sổ sách của 2 tàu, DDM ước ghi lỗ từ bán 2 tàu là 220-250 tỷ đồng. Đây là lý do để hơn 96% cổ phần tham dự đại hội cổ đông phản bác phương án bán tàu. Các cổ đông không chấp nhận DDM đột ngột bị lỗ quá lớn. Nếu chấp nhận, vốn chủ sở hữu sẽ bị âm nặng và DDM khó có cách tháo gỡ. Từ đó, nguy cơ cổ phiếu DDM bị hủy niêm yết có thể xảy ra, ảnh hưởng đến thanh khoản cổ phiếu và quyền lợi cổ đông. DDM được giao dịch với giá 1.600 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/10.
Nhìn vào tỷ lệ ủng hộ phương án bán tàu chỉ chiếm 3,89%, trong khi Tổng công ty hàng hải Việt Nam nắm gần 56% vốn ở DDM, có thể thấy, ngay cả cổ đông lớn nhất có đại diện giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của DDM cũng mong đợi kết quả này.
Thực tế, cả phía doanh nghiệp lẫn cổ đông đã dẫn ra những nhiều điểm lợi của việc không bán 2 tàu này. Ngoài tránh được khoản lỗ bất ngờ, DDM vẫn duy trì khai thác được cặp tàu này, vì đã có Ngân hàng Agribank đồng ý cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 25 tỷ đồng cho DDM. Theo báo cáo tài chính soát xét, Agribank đã giải ngân hơn 18 tỷ đồng, nghĩa là vốn lưu động cho DDM đã và có cơ hội khai thông thêm. DDM sẽ tìm khách hàng để cho thuê định hạn cặp tàu này. Nếu điều kiện thị trường vận tải biển khởi sắc hơn, DDM có hy vọng giảm lỗ, tiến tới làm ăn có lãi từ hoạt động này.
Trong khi đó, lãnh đạo DDM thừa nhận, việc DDM tự bán tàu theo phương án vạch ra sẽ rất khó trong một hạn mức thời gian nhất định do các tổ chức tín dụng đưa ra. Khi DDM không đồng ý bán tàu, có khả năng, chủ nợ sẽ lấy tàu để xử lý nợ theo quy định. Và đây có thể là phương án “dễ thở” nhất cho DDM, bởi như vậy, DDM vừa thoát khỏi tài sản không những không sinh lời, mà còn tốn kém chi phí, vừa giảm được nợ vay và lãi vay.
Nếu nhìn ở góc độ này, có thể, phía cho DDM vay vốn mua tàu sẽ phải gánh vác nhiều khó khăn nhất.
Theo Đầu tư