Thông tin được bà Lưu Thị Lan, Quản lý dự án Mekong NbS, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), đưa ra tại hội thảo trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2024 tổ chức tại An Giang, chiều 17/12.
Theo bà Lan, ĐBSCL là trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây khi đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây. Toàn vùng có diện tích trên 40.000 km2, dân số trên 20 triệu người. Song đồng bằng này cũng chịu nhiều tổn thương, thách thức.
Trước những thách thức đó, WWF Việt Nam đang triển khai dự án Mekong NbS - "sinh kế thuận thiên" với mục tiêu khôi phục dòng chảy tự nhiên, tích tụ và bồi lắng phù sa, xây dựng mô hình sinh kế thuận thiên. Dự án triển khai thí điểm 7 mô hình sinh kế dựa vào lũ với diện tích 170 ha như trữ cá mùa lũ, du lịch sinh thái, trồng lúa mùa nổi.
Thống kê sơ bộ của WWF cho thấy các mô hình mang lại tỷ suất lợi nhuận 1,2 - 1,5 lần, giảm 20-30% phân bón ở vụ lúa kế tiếp, tăng khả năng bồi lắng phù sa từ 20-30 lần so với canh tác lúa 3 vụ, tăng nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học. "Cũng có hộ tham gia mô hình bị lỗ tùy vào quy mô, điều thiện thời tiết song về mặt môi trường cải thiện rất rõ", bà Lan cho biết.
Cùng chia sẻ về tiềm năng phát triển thuận thiên tại ĐBSCL, ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Công ty Thiên Minh, cho biết tận dụng cỏ năng tượng (còn gọi là hến biển) là giải pháp bền vững, mang lại kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường do rễ cỏ giúp cải tạo đất, cung cấp oxy giúp tăng cường sức khỏe cho đất.
Theo ông, tại ĐBSCL cỏ năn tượng mọc tự nhiên ở vùng ven biển miền Tây với diện tích khoảng 1,8 triệu ha với năng suất 10 tấn/ha, ứng dụng làm thủ công mỹ nghệ, sản xuất bột giấy, thức ăn bổ dưỡng cho gia súc.
Tại hội thảo, ông Trương Linh Ân, Giám đốc Tập đoàn Khải Nam, trình bày về mô hình lúa mùa nổi - một nông sản bản địa với nhiều tiềm năng. Theo ông, canh tác lúa mùa nổi giúp tăng khả năng trữ nước ngọt, cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng cường đa dạng sinh học, nông dân có thêm sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên việc mở rộng mô hình có nhiều thách thức về chi phí, kỹ thuật và đặc biệt là việc xây dưng thương hiệu.
Mekong Connect tổ chức lần đầu năm 2015 là diễn đàn thường niên, cầu nối giữa các tỉnh ĐBSCL với cả nước. Năm nay, Mekong Connect 2024 với chủ đề "Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa ĐBSCL - TP HCM và cả nước hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh mới", diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12.
Ngọc Tài