![]() |
Kiên trì chờ đợi từng thùng nước ở những giếng cạn vùng Bảy Núi, An Giang. |
Bến Tre là tỉnh đầu tiên bị nước mặn tấn công. Trung tuần tháng 3, nước biển đã lên đến An Hóa, ngấp nghé cửa ngõ thị xã Bến Tre. Anh Hồ Ngọc Hậu, cán bộ kỹ thuật của Công ty Khai thác và xây dựng thủy nông, cho biết Bến Tre đã đóng kín hơn 40 cống ngăn mặn trên tổng số gần 80 cống xung yếu của toàn tỉnh. Các huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày và một phần Giồng Trôm, Ba Tri đã hoàn toàn bế quan tỏa cảng. Nếu đầu nguồn kiệt nước thì không loại trừ tình huống nước mặn sẽ xâm nhập toàn bộ địa bàn Bến Tre như hồi mùa khô 1998.
Tại Tiền Giang, nước mặn đã tràn đến khu vực Hòa Định của huyện Chợ Gạo (cách biển Đông 40 km), chỉ còn 10 km nữa là đến thành phố Mỹ Tho. Toàn bộ vùng bán đảo Gò Công đã phải đóng 50 cửa cống từ trước Tết Nguyên đán do năm nay nước mặn tấn công sớm. Hiện tại, Chi cục Thủy lợi tỉnh chỉ còn mở cửa bốn cống xung yếu là Xuân Hòa, Bàu Sấu, Kinh Huyện, Bình Long (huyện Chợ Gạo) để lấy nước ngọt từ sông Tiền nạp vào hệ thống thủy lợi của bán đảo Gò Công.
Hậu quả
Ở Bến Tre, hơn 2.000 ha lúa đông xuân của huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri bị triều cường mặn tràn ngập, làm giảm năng suất 20-80%. Chị Nguyễn Thị Thu, Sở NN&PTNT tỉnh, không giấu được lo âu: "Nếu nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài thì vùng chuyên sản xuất cây giống ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Chợ Lách có nguy cơ bị thiệt hại nặng. Đây là vùng cây đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon với diện tích lớn".
Nước mặn về dẫn theo một tình trạng khốn khó khác: nước sạch thiếu trầm trọng và bị ô nhiễm. Ở bán đảo Gò Công, các nguồn cung cấp nước chủ yếu như kênh Tham Thu, Chợ Gạo, Đồng Sơn... đều đầy rác rưởi, nước màu xanh lục, bốc mùi hôi thối. Ô nhiễm đến mức ông Nguyễn Văn Thọ, ở Quới Điền (Thạch Phú) than thở: "Ai lội xuống cũng bị bệnh ngoài da, ghẻ chốc, lở loét. Dân vùng này muốn có nước sạch nấu ăn phải mua với giá 2.000 đồng/40 lít nước. Kham sao nổi". Theo Công ty Cấp nước Bến Tre, các địa bàn trong tỉnh đều xây dựng những nhà máy nước mini phục vụ dân sinh, nhưng tất cả đều lấy nguồn nước mặt trên sông. Khi dòng sông nhiễm mặn thì các nhà máy này đành ngưng hoạt động.
Thiếu nước nên tình trạng bệnh tật của cư dân ngày càng gia tăng. Hiện các loại bệnh như đau mắt, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa chiếm 40-60% các ca bệnh nhập viện điều trị. Riêng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã lên đến hơn 28% và số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa do sử dụng nguồn nước ô nhiễm đang ngày một tăng.
Các cơ quan chức năng vùng Gò Công cho biết, giải pháp căn cơ nhất vẫn là vận động nhân dân không xây dựng cầu tiêu, chuồng gia súc trên sông rạch, không vứt rác vào nguồn nước, đồng thời tích cực khoan giếng ngầm. Tuy nhiên, việc khoan giếng nước sạch tầng sâu không phải là chuyện đơn giản, bởi vùng Gò Công lâu nay rất khó tìm đúng mạch nước ngầm đạt chất lượng.
(Theo Tuổi Trẻ)