Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Utecht, Hà Lan khi thực hiện Dự án nghiên cứu Thăng trầm (Rise & Fall) vừa công bố đã nêu những con số đáng ngại khi ĐBSCL phải đối mặt với tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn nghiêm trọng. Nghiên cứu này được thực hiện trong 4 năm (bắt đầu từ 2015) tập trung vào các vấn đề: sụt lún, trữ lượng nước ngầm, xâm nhập mặn và hoạt động quản trị.
TS Philip Minderhoud, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ĐBSCL chỉ cao hơn 0,8 m so với mực nước biển (thấp hơn gần 2 m so với những giả định trước đây). Tại một số khu vực ven biển, nền đất lún từ 20 - 30 mm/năm. "Điều này đáng báo động, đặc biệt là với nền đất vốn thấp của ĐBSCL", TS Philip Minderhoud nói và nêu dự đoán của nhóm nghiên cứu trong 100 năm tới, ĐBSCL sẽ chỉ cao hơn 0,45 m so với mực nước biển.
Số liệu này cũng cho thấy tỷ lệ sụt lún hiện nay của ĐBSCL đang cao hơn các đồng bằng khác trên thế giới (Mississippi, Mỹ sụt lún 6 -11mm/năm, đồng bằng Po, Ý 0 -10mm/năm).
Để chỉ ra số liệu này, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng mô hình 3D, các phép đo LiDAR trong không khí và khảo sát trắc địa nhằm cung cấp dữ liệu về địa hình chính xác (phép đo LiDAR hiện nay được ứng dụng để tạo bản đồ thế giới 3D).
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân khiến ĐBSCL sụt lún nghiêm trọng phần lớn là do con người khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm còn khiến cấu trúc của trữ lượng tầng chứa nước bị suy giảm, các tầng trữ nước ngọt bị nước mặn xâm nhập. "Cứ mỗi m3 nước ngầm được khai thác từ tầng trữ nước, 12 m3 nước ngọt khác sẽ bị nhiễm mặn và không thể sử dụng được", tiến sĩ Philip Minderhoud nói.
Ông cảnh báo tại các trang trại nuôi tôm công nghiệp đang khai thác nước ngầm khiến ĐBSCL bị sụt lún nhiều hơn. Trong 20 năm tới, các trang trại này có thể bị chìm dưới mực nước biển, việc kinh doanh và đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng. Những giải pháp truyền thống như xả lũ hoặc tăng lớp trầm tích dưới tầng ngậm nước cũng không còn tác dụng trong tương lai.
Giải pháp được các nhà nghiên cứu gợi ý, một số vùng ở ĐBSCL nên triển khai các chương trình bồi đắp phù sa, củng cố đê điều để hạn chế xâm nhập mặn và thủy triều vì đây cũng là yếu tố gây sụt lún ở ĐBSCL.
Laurent Umans - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan cho biết, Hà Lan sẽ hỗ trợ các sáng kiến của Việt Nam trong triển khai quy hoạch mới và xây dựng cơ chế phối hợp. Sau nghiên cứu này Hà Lan sẽ làm việc với một số nhà máy nước của ba tỉnh ĐBSCL gồm Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ thiết lập hệ thống giải pháp nước sạch để hạn chế tình trạng khai thác nước ngầm, tầm nhìn đến năm 2030.