![]() |
Khu tái định cư ở thị trấn Tân Châu, An Giang. |
Theo ông Bùi Đình Tứ, Thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão Đồng Tháp, năm nay ngoài việc tích cực ổn định nơi ở cho dân thì tỉnh rất quan tâm đến bảo vệ tính mạng trẻ em trong mùa mưa lũ. Tỉnh sẽ tăng cường số lượng các điểm giữ trẻ bán trú, xây dựng lớp bằng vật liệu kiên cố, ngành giáo dục chịu trách nhiệm điều phối giáo viên phụ trách, huy động phụ huynh học sinh và các đơn vị tài trợ kinh phí hoạt động cho các điểm giữ trẻ.
An Giang cũng đang ráo riết thi công 53 cụm, tuyến dân cư tập trung với kinh phí gần 190 tỷ đồng, có thể bảo đảm an toàn cho 12.300 hộ dân. Ông Vương Hữu Tiếng, Thường trực ban chỉ huy phòng chống lụt bão cho biết, năm nay tỉnh sẽ thiết lập hàng trăm điểm cứu hộ, cứu nạn ở các khu vực trọng yếu như ngã ba kênh, đầu cầu và các vùng nước xoáy nguy hiểm với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn. An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL xây dựng được mạng lưới dự báo khí tượng thủy văn với 3 trạm khí tượng, 18 trạm thủy văn, nhiều điểm đo mưa và hàng trăm điểm khảo sát cố định, di động với nhiều máy móc hiện đại, có khả năng dự báo trước 7-15 ngày về độ lớn và dạng lũ trên hệ thống sông Cửu Long.
Tại tỉnh cuối nguồn lũ Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, cho biết hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ bản 15 cụm, tuyến dân cư tập trung và cố gắng thi công xong 35 cụm, tuyến trước khi lũ về để bảo đảm ổn định đời sống cho hơn 44.000 gia đình trong vùng nguy hiểm.
Các tỉnh đã đầu tư khá lớn cho công trình thủy lợi, đê bao bảo vệ sản xuất (Đồng Tháp dành 94 tỷ đồng, An Giang đầu tư hơn 44 tỷ đồng, Tiền Giang đầu tư gần 10 tỷ đồng), nhưng vẫn còn nhiều khu vực sẽ bị ngập sâu trong mùa lũ này.
Tại Tiền Giang, xứ sở được mệnh danh là “vương quốc trái cây” vẫn còn gần 7.000 ha vườn cây ăn trái (trong tổng số hơn 40.000 ha) chưa có đê bao bảo vệ. Nguyên nhân là diện tích vườn manh mún khó đầu tư quy mô lớn, chủ vườn so bì trong đóng góp xây dựng đê bao, thắc mắc chuyện bồi thường hoa màu, đất đai bị mất khi thi công công trình. Ở An Giang, Đồng Tháp, mặc dù ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không canh tác lúa vụ 3 vì khả năng mất trắng rất lớn, nhưng do giá lúa đang bình ổn ở mức cao (1.600-1.700 đồng/kg), nên nông dân vẫn ồ ạt xuống giống.
Cho đến trung tuần tháng 6, lũ đã cận kề, nhưng chuyện sống chung với lũ ở ĐBSCL vẫn còn lắm nan giải. Đồng Tháp cần hơn 800 tỷ đồng mới giải quyết dứt điểm tình trạng ngập sâu của hơn 116.000 hộ dân. An Giang vẫn còn hơn 20.000 hộ chưa có nơi trú ẩn. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh An Giang, Đồng Tháp khẳng định, nếu lũ 2002 chỉ mức báo động 3 (tương đương 4,7 m tại Tân Châu; 3,45 m tại Châu Đốc), nông dân có thể thu hoạch an toàn hơn 400.000 ha lúa, hoa màu vụ hè thu. Nhưng nếu lũ vượt báo động 3 và đến sớm thì sẽ phải đối phó rất chật vật.
Trong khi đó, các tỉnh duyên hải của ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu đang hết sức âu lo trước một hiểm họa tiềm ẩn: bão lớn.
(Theo Người Lao Động)