Việc "học yêu" là điều quan trọng trong độ tuổi này, nếu không được hướng dẫn đúng cách các con bị chi phối và coi chuyện yêu quan trọng hơn cả việc học tập trên lớp. Thậm chí những sai lầm trong quá trình "học yêu" có thể ảnh hưởng đến cuộc đời về sau của trẻ.
Các sai lầm thường gặp của cha mẹ với tình yêu tuổi học trò
Kiểm soát và nâng mức kiểm soát
Ở tuổi teen, trẻ có xu hướng rời xa ảnh hưởng của cha mẹ bằng cách không làm theo hoặc làm ngược lại để cảm nhận "cái tôi" một cách độc lập hơn, từ đó xây dựng các giá trị riêng của mình.
Khi trẻ "học yêu", cha mẹ có xu hướng kiểm soát và ngày càng nâng cao mức độ. Giống như gia đình Phương Anh tìm mọi cách để phá mật khẩu trong máy tính của con. Gia đình bạn gái này dần nâng cao cấp độ kiểm soát: cấm dùng điện thoại, đưa đón đi học, xin chuyển trường... Thường kiểm soát và nâng cao cấp độ sẽ đi vào bế tắc.
Trẻ tuổi teen có xu hướng đối kháng với cha mẹ, đặc biệt là ở các gia đình có cha mẹ bất hòa, việc tạo lập mối quan hệ "tình cảm cặp đôi" thường giúp giải thoát sự căng thẳng và rất thu hút trẻ. Khi đó, trẻ có nhu cầu học hỏi, thử nghiệm hoặc là sửa chữa các sai lầm trong mối quan hệ gia đình một cách vô thức.
Không nhất quán trong nguyên tắc để xử lý tình huống cùng con
Không chuẩn bị tâm thế khi trẻ bước vào tuổi dậy thì khiến cha mẹ lo lắng khi con "yêu".
Việc cô của Quân tư vấn để mua quà cho bạn gái không nhất quán với việc bố mẹ Phương Anh luôn kiểm soát điện thoại, đưa đón đi học, cấm hẹn hò.... Mối quan hệ của hai đứa trẻ sẽ đứng giữa hai dòng nước. Trẻ không biết ai đúng, ai sai và mình nên làm theo ai khiến cho xung đột leo thang theo hướng bất lợi.
Thiếu tôn trọng cảm xúc và khó kết nối với con
Việc trẻ "yêu" để "học yêu" với những cảm xúc đầu đời là nhu cầu tình cảm tự nhiên. Cha mẹ thường chưa hiểu tiến trình phát triển tâm lý tình cảm này nên có thái độ thiếu tôn trọng, cấm đoán, ví dụ bố Phương Anh đã đập máy tính cá nhân của con, mẹ thì mắng nhiếc. Trẻ bị tổn thương sẽ rất khó trò chuyện với cha mẹ trên tinh thần tôn trọng, lắng nghe.
Thiếu kiến thức và kỹ năng trò chuyện cùng con về giới và tính dục
"Sau này ra trường, chắc chắn anh sẽ lấy em", "Em đã nhận được quà của anh chưa, người yêu bé nhỏ của anh", là những gì mẹ Phương Anh đọc được trong những tin nhắn. Đây là cách Quân học cách "yêu có trách nhiệm". Người lớn trong gia đình nên tận dụng những tình huống này để giúp con nhận ra đâu là giá trị tình cảm chân thành, đâu là sự chăm sóc yêu thương, đâu là sự giả dối, đánh đổi để trẻ có kỹ năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh...
Những việc cha, mẹ nên và không nên làm
Để biết những việc nào nên làm và không nên làm, cha mẹ nên làm theo trình tự ngược lại các vấn đề đã nêu ở trên, từ thứ tư cho tới thứ nhất.
Chuẩn bị tâm thế bằng cách tìm hiểu kiến thức tâm sinh lý khi con bắt đầu vào tuổi dậy thì.
Cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người làm cha mẹ trong việc "học yêu" của trẻ. Thay đổi vai trò chăm sóc, hướng dẫn kiểm soát ở giai đoạn mầm non, tiểu học sang vai trò hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ con "học yêu".
Đặc biệt cha mẹ không cố níu giữ sự kiểm soát, học cách cởi mở, đón nhận và cùng giải quyết vấn đề với con. "Bố đừng cấm con, con lớn rồi. Con biết tự bảo vệ mình", Hằng hét lên khi bị bố mắng là một dấu hiệu. Lúc này ảnh hưởng của bạn bè, người yêu trở nên quan trọng với trẻ. "Anh Phú, bố của Hằng đã quyết định gặp bạn trai của con để nói chuyện". Tiếc rằng nội dung câu chuyện đã không thuyết phục được hai bạn trẻ bởi anh vẫn muốn dùng quyển lực của người lớn để cấm đoán.
Quan sát và trò chuyện với con thường xuyên
Việc cha mẹ tìm hiểu kiến thức để sẵn sàng cung cấp thông tin cho con khi trẻ đặt câu hỏi là cần thiết. Ngoài ra kiến thức giúp cha mẹ biết cách quan sát các mối quan hệ, hành vi ứng xử của con để kịp thời trò chuyện, giáo dục trẻ phù hợp.
Tạo lập lòng tin nơi trẻ, giữ kết nối thông qua việc thường xuyên trò chuyện khiến trẻ dễ cởi mở để nói chuyện với cha mẹ về mối quan tâm của mình. Những tò mò, băn khoăn về "cảm xúc yêu" sẽ được trẻ kể. Tiếp nhận với thái độ tôn trọng sẽ khiến bạn trở thành nhà tư vấn giúp con "học yêu" giống cô của Quân. Nếu cảm thấy khó khăn thì cô giáo hoặc họ hàng, bạn bè của cha mẹ mà trẻ tin tưởng cũng có thể trở thành người trò chuyện.
Cùng con đưa ra các nguyên tắc xây dựng mối quan hệ và hẹn hò có trách nhiệm.
Khi con có niềm tin dựa trên sự tôn trọng thì cha mẹ và con có thể đối thoại để thiết lập nguyên tắc hẹn hò nhằm giảm thiểu các nguy cơ cho trẻ như bị bạo lực, lừa đảo, quấy rối....
* Xây dựng hình ảnh bản thân: khi trẻ bị thu hút giới tính thường quan tâm tới hình ảnh, mùi cơ thể. Vì vậy cha mẹ giúp các con biết cách thể hiện hình ảnh cơ thể để tự tin vào bản thân, ăn mặc phù hợp trong những buổi hẹn hò đi chơi cùng bạn, tránh thời trang quá gợi cảm.
* Biết cách xác định một mối quan hệ lành mạnh và nâng cấp mối quan hệ của bản thân. Giúp con phân biệt tình bạn và tình yêu. Kiểm soát tốc độ tìm hiểu và nâng cấp sự gần gũi trong đồng thuận và biết cách từ chối, không tuyệt đối hóa tình yêu, xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh.
*Biết cách trì hoãn quan hệ tình dục lần đầu tiên. Việc hấp dẫn cảm xúc tình dục khiến trẻ khó kiểm soát hành vi quan hệ tình dục, cha mẹ giúp con cách nhận biết các nguy cơ về không gian, thời gian nhạy cảm như phòng riêng, nơi chốn chỉ có 2 người, thời gian quá muộn, nơi quá tối..... Ngoài ra cũng nên giúp con củng cố các kiến thức về mang thai, các biện pháp tránh thai và lây truyền qua đường tình dục.
- Trao quyền quyết định xử lý tình huống cho con có liên quan tới giới và tính dục. Nếu lần lượt làm theo các bước trên thì bạn có thể giúp con học xây dựng năng lực ra quyết định và tự bảo vệ trong từng tình huống thông qua việc trao quyền. Việc này giúp trẻ tự tin biết cách xử lý tình huống thông qua việc mở rộng dần các mối quan hệ. Cha mẹ sẽ giảm sự kiểm soát theo năng lực nhận thức và phát triển của trẻ. Phụ thuộc vào nhận thức, mối quan tâm và cảm xúc của từng trẻ, cha mẹ nên quyết định trao quyền cho con một phần hoặc hoàn toàn theo một vài gợi ý dưới đây (Lưu ý, gợi ý này không phù hợp với mọi trẻ do tiến trình phát triển và giáo dục của cha mẹ khác nhau)
* Trên 8 tuổi. Trao quyền làm chủ cơ thể hoàn toàn (không tự ý sử dụng hình ảnh, sờ vào các bộ phận trên cơ thể trẻ, vệ sinh cho trẻ...)
* Trên 10 tuổi. Trao quyền thiết lập mối quan hệ bạn bè hoàn toàn (không can thiệp thô bạo việc kết bạn với ai, hướng dẫn cách chọn bạn và đặt các cuộc hẹn với bạn.... )
* Trên 12 tuổi. Trao quyền tiếp cận và kiểm soát thông tin (chọn sách vở, truy cập mạng có kiểm soát... )
* Trên 14 tuổi: Trao quyền kết bạn cặp đôi (thiết lập mối quan hệ "yêu" để học "cách yêu"...
Chuyên gia Phí Mai Chi
Dự án SexEdu về giáo dục giới tính cho trẻ em